Sửa luật để xử lý vấn đề phát sinh trong thực tiễn

(PLO)- Một số địa phương ngân sách không đáp ứng được trong khi địa phương khác có khả năng, do vậy cần sửa luật để xử lý vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cũng trong ngày 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước (NSNN); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

xu-ly-van-de-phat-sinh.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày tờ trình dự thảo luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay Luật Chứng khoán dự kiến sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán. Cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).

Còn Luật NSNN dự kiến bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chi NSNN thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên, bao gồm bổ sung mới một khoản tại Điều 8 quy định chi NSNN (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi…

Trong Luật Quản lý thuế, Chính phủ đề xuất bổ sung khoản 2 Điều 5 quy định về trách nhiệm của công chức quản lý thuế. Theo đó, “Công chức quản lý thuế chịu trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp, văn bản thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp có liên quan đến giải quyết hồ sơ thuế của người nộp thuế”.

Quy định này sẽ làm rõ về trách nhiệm cho cán bộ thuế trong trường hợp doanh nghiệp gian lận trong kê khai hoàn thuế giá trị gia tăng, cung cấp thông tin không trung thực dẫn đến việc giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp không đúng quy định.

Đối với Luật Dự trữ quốc gia, dự thảo bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.

Không có nhiều ý kiến thảo luận về dự luật này tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng “chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển”.

Giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá dự án luật này nhận được sự đồng thuận tương đối cao trong các ủy ban, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến một số ý kiến về cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương đầu tư các công trình hạ tầng của ngân sách cấp trên tại địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác (tại Luật NSNN), Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị cho phép luật hóa luôn cơ chế này tại Luật NSNN vì đã tương đối đủ cơ sở thực tiễn.

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, đây là yêu cầu thực tế bởi nhu cầu đầu tư liên vùng, liên tỉnh là đáng kể. Một số địa phương ngân sách không đáp ứng được trong khi địa phương khác có khả năng. Hiện tại, Luật Thủ đô đã quy định nội dung. TP.HCM cũng đang thực hiện theo Nghị quyết 98, sau tổng kết cũng sẽ được chính thức hóa.

Ngoài ra, tại dự thảo, khoản 10 Điều 8 Luật NSNN được sửa đổi theo hướng việc chi đầu tư công nguồn NSNN và các hoạt động đầu tư công thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công; các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về NSNN và quy định của pháp luật có liên quan và sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền vào cuối kỳ trung hạn.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết quy định này để xử lý vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đầu nhiệm kỳ, khi chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn thì chưa thể nhìn hết được các khoản thu của NSNN như các khoản từ tiết kiệm chi, tăng thu. Do đó, có một số dự án cấp bách, cần được làm ngay nhưng chưa có trong danh mục xin được triển khai theo cơ chế này và cũng sẽ không có sự xung đột giữa Luật NSNN và Luật Đầu tư công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm