“Phải có đột phá” là tinh thần mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định khi trả lời chất vấn của Quốc hội (QH) chiều 12-11, dù đó là vấn đề vĩ mô như xây dựng thể chế hay vĩ mô là các dự án trùm mền đắp chiếu.
Tháo nút thắt lớn
Đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) chất vấn Thủ tướng về giải pháp cho cải cách bộ máy hành chính gắn với phân cấp, phân quyền trong bối cảnh còn nhiều vướng mắc về pháp luật và thực tiễn đặc thù từng địa bàn, cơ quan, đơn vị…
Trả lời ĐB, Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề lớn. Ông cho rằng thực tế cải cách bộ máy là việc đã làm và hiện vẫn thấy vướng, mà vướng chủ yếu là ở Trung ương và đây là nút thắt lớn.
Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát các quy định của Đảng, thể chế hóa các quy định này và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan. Đồng thời, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trích báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ thừa nhận “vẫn còn tình trạng chưa đúng vai, thuộc bài và một thực tế là phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực vẫn chưa thật đồng bộ với nhau” - ĐB Mai nói và đề nghị Thủ tướng cho biết thêm những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đó để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Vướng mắc ở đâu sẽ tháo gỡ ở đó. Đã vỡ thì không thể lành, phải chấp nhận chịu mất mát. Từ đó cho các cơ chế, chính sách để xử lý, thẩm quyền của ai người đó phải làm.
Về vấn đề này, theo Thủ tướng, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và phân bổ nguồn lực thì phải có giám sát, thanh tra, kiểm tra. Chẳng hạn, hiện chúng ta đang xử lý các vấn đề về thể chế bằng “một luật sửa nhiều luật”, gắn với phân cấp, phân quyền. Sửa luật để tháo gỡ các vướng mắc nhằm phân quyền, phân nguồn lực cho địa phương. “Chúng tôi sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền theo hướng như vậy” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đã có 136 lượt ĐB chất vấn, 18 lượt ĐB tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ngoài ra còn 80 ĐB đăng ký phát biểu nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian.
Qua phiên chất vấn tại kỳ họp cho thấy các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các ĐBQH quan tâm.
Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, vướng mắc, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Chủ tịch QH TRẦN THANH MẪN
Tôn trọng thực tại để tháo điểm nghẽn
ĐB Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn Thủ tướng về những điểm nhấn trong cải cách thể chế thời gian tới và “Thủ tướng chọn vấn đề gì?”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ưu tiên từ đầu nhiệm kỳ của ông là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh việc giải quyết “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thì Chính phủ cũng ưu tiên cho tăng trưởng.
“Ưu tiên tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu tăng trưởng bình bình như hiện nay, 6%-7% thì rất khó đạt được mục tiêu 100 năm” - ông nói và khẳng định ưu tiên cho tăng trưởng thì phải tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, của nhân dân, của xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Tăng trưởng thì sẽ phải triển khai đến các dự án tạo không gian, động lực phát triển. Do đó, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, điều chỉnh chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thủ tướng khẳng định phát triển hạ tầng chiến lược bao gồm hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm và đầu tư là động lực truyền thống. Trong đầu tư thì các công trình lớn của quốc gia “phải tạo ra sự đột phá về hạ tầng chiến lược”, các công trình phải mang tính xoay chuyển tình thế chứ không phải bình bình như hiện nay. Với chủ trương đột phá về hạ tầng, cần phải tập trung đường sắt cao tốc kết nối với Trung Quốc, kết nối Bắc - Nam; hạ tầng điện là khởi động lại các dự án liên quan đến năng lượng hạt nhân, năng lượng gió ngoài khơi…
Thủ tướng cũng khẳng định để có nguồn lực thì phải hoàn thiện thể chế, cơ chế huy động nguồn lực của Nhà nước, địa phương, hợp tác công tư và đi vay. Cùng với đó là đào tạo nhân lực, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và quản trị. “Mong QH ủng hộ cho các dự án lớn cụ thể trình QH nhiệm kỳ này là đường sắt cao tốc Bắc - Nam và mở rộng sân bay Long Thành giai đoạn 2” - Thủ tướng nói.
Với chất vấn về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết với nỗ lực của Chính phủ, các bên liên quan và quyết sách của Bộ Chính trị, vừa qua 12 dự án tồn đọng, kéo dài cơ bản đã được Bộ Chính trị đồng ý về cơ chế, chính sách xử lý.
Ông khẳng định chủ trương xử lý các dự án này là phải tôn trọng hiện trạng, ai vi phạm thì đã bị xử lý rồi, vướng mắc ở đâu sẽ tháo gỡ ở đó. “Đã vỡ thì không thể lành, phải chấp nhận chịu mất mát. Từ đó cho các cơ chế, chính sách để xử lý, thẩm quyền của ai người đó phải làm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tinh gọn bộ máy
Chiều 12-11, QH đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu xác định 2025 là năm “tăng tốc, bứt phá, về đích”. QH xác định sẽ tập trung cao độ hơn nữa cho bổ sung, hoàn thiện tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật, hoàn thành về cơ bản việc xử lý những bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến thể chế và tổ chức thực hiện kéo dài.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất, hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Song song đó là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không làm ảnh hưởng, cản trở mà là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.