Sáng 23-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử (CPĐT) với các ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Tránh phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ủy ban, cho biết đây là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là quyết tâm làm cho được CPĐT. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng CPĐT.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT là hai hạt nhân quan trọng trong xây dựng CPĐT. Tuy vậy, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn vào các tồn tại, hạn chế. Cụ thể là số lượng dịch vụ công trực tuyến có tăng lên nhưng tỉ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao… Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển CPĐT còn chậm, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư.
Theo Thủ tướng, vừa qua tình trạng xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu sự lãnh đạo tập trung. Vì thế, các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau dẫn đến nguy cơ đầu tư trùng lặp, lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông, không đồng bộ. An ninh, an toàn mạng tuy được quan tâm nhưng hiện nay còn nhiều vấn đề cần lo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP
Người dân, doanh nghiệp không dùng là thất bại
Từ các phân tích trên, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn trong xây dựng CPĐT, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số. Đây là ba cấp độ phát triển khác nhau, không phải xong cấp độ 1 rồi mới tới cấp độ 2 mà ngay cấp độ 1 đã có các yếu tố của cấp độ 2, 3.
Việc xây dựng CPĐT cần phải giải quyết tốt bốn mối quan hệ, gồm hai quan hệ với bên ngoài (chính phủ với người dân, chính phủ với doanh nghiệp) và hai quan hệ nội bộ (giữa các cơ quan chính phủ với nhau, giữa chính phủ với cán bộ, công chức). Làm tốt mối quan hệ bên trong thì mới làm tốt mối quan hệ bên ngoài.
Mục tiêu của CPĐT là cung cấp thông tin và dịch vụ công dựa trên nền tảng số tới mọi người, mọi lúc, mọi nơi; tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của chính phủ.
Về phương châm xây dựng CPĐT, Thủ tướng nhấn mạnh phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Nếu người dân không dùng, doanh nghiệp, tổ chức không dùng thì coi như CPĐT thất bại, đầu tư là lãng phí.
Về cách tiếp cận, cách làm CPĐT, Thủ tướng lưu ý sử dụng hình thức đối tác công tư một cách chặt chẽ. “Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành; tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này” - Thủ tướng nói.
Không làm, làm chậm sẽ bị kiểm điểm
Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của CPĐT và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ, trình Thủ tướng phê duyệt. Ưu tiên làm trước các dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Dữ liệu là tài nguyên trong nền kinh tế số, là vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số và CPĐT. Bởi vậy, Bộ TT&TT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản trị dữ liệu.
Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng, sớm đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong tháng 11-2019.
Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của ủy ban hằng năm đánh giá các rủi ro và đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện. “Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công” - Thủ tướng nêu rõ.
Ngày 7-3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, trong đó đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, các bộ đã hoàn thành 7/83 nhiệm vụ được giao trong khi nghị quyết mới ban hành được ba tháng rưỡi. Hiện nay tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn khá thấp, địa phương đạt tỉ lệ 15%, còn các bộ, ngành đạt gần 29%. Mục tiêu đến hết năm 2019 có khoảng 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 sẽ khó đạt nếu không thúc đẩy quyết liệt việc này. |