Thủ tướng Sri Lanka thừa nhận nền kinh tế của nước này ‘đã hoàn toàn sụp đổ'

(PLO)- Thủ tướng Wickremesinghe cho biết nền kinh tế Sri Lanka đang đối mặt tình trạng nghiêm trọng hơn rất nhiều, không chỉ là vấn đề thiếu hụt nhiên liệu, lương thực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu trước quốc hội Sri Lanka hôm 22-6, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nói rằng nền kinh tế nước này đã hoàn toàn “sụp đổ” sau nhiều tháng thiếu hụt lương thực, nhiên liệu và điện. Ông đặc biệt nhấn mạnh tình hình thảm khốc tại Sri Lanka trong bối cảnh nước này đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức cho vay quốc tế.

Ông Wickremesinghe cho biết Sri Lanka đang phải đối mặt "một tình huống nghiêm trọng hơn nhiều" so với tình trạng thiếu hụt. Ông cũng cảnh báo về khả năng nền kinh tế “rơi xuống mức thấp nhất".

“Nền kinh tế của chúng ta đã hoàn toàn sụp đổ" - Thủ tướng Wickremesinghe nói với các nhà lập pháp.

Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: Dinuka Liyanawatte/REUTERS

Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: Dinuka Liyanawatte/REUTERS

Theo hãng tin AP, cuộc khủng hoảng trên hòn đảo 22 triệu dân được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử, tuy nhiên Thủ tướng Sri Lanka không viện dẫn bất kỳ diễn mới cụ thể nào. Những bình luận của ông Wickremesinghe nhằm nhấn mạnh với người chỉ trích và các nhà lập pháp đối lập rằng ông đã tiếp quản một nhiệm vụ khó khăn không thể nhanh chóng khắc phục.

Ông Anit Mukherjee, nhà kinh tế học và chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, cho biết: “Ông ấy đang đặt những kỳ vọng ở mức rất thấp”.

Theo ông Mukherjee, phát biểu của ông Wickremesinghe cũng gửi một thông điệp đến những tổ chức quốc tế cho vay rằng: "Bạn không thể để một quốc gia có tầm quan trọng chiến lược như vậy sụp đổ”, đồng thời lưu ý rằng Sri Lanka nằm ở một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất thế giới.

Tình trạng nghiêm trọng hơn nhiều

Nền kinh tế Sri Lanka đang hứng chịu sức nặng của các khoản nợ chồng chất, doanh thu du lịch bị mất đi và những tác động khác của đại dịch COVID-19 cũng như giá cả hàng hóa tăng cao. Hậu quả là quốc gia Nam Á sắp phá sản này hầu như không còn tiền để nhập khẩu xăng, sữa, khí đốt và giấy vệ sinh.

Các nhà lập pháp từ hai đảng đối lập chính đang tẩy chay quốc hội Sri Lanka trong tuần này để phản đối ông Wickremesinghe - người trở thành thủ tướng cách đây hơn một tháng đồng thời kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính - vì đã không thực hiện cam kết xoay chuyển nền kinh tế.

Ông Wickremesinghe cho biết Sri Lanka không thể nhập khẩu nhiên liệu do Tập đoàn Dầu khí Ceylon đang mắc nợ 700 triệu USD.

“Kết quả là không có quốc gia hay tổ chức nào trên thế giới sẵn sàng cung cấp nhiên liệu cho chúng ta. Thậm chí họ còn không sẵn lòng cung cấp nhiên liệu để đổi lấy tiền mặt” - Thủ tướng Sri Lanka nói.

Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu của Sri Lanka, ước tính chiếm từ 15% đến 20% dân số thành thị của nước này. Tầng lớp trung lưu bắt đầu gia tăng vào những năm 1970 khi Sri Lanka bắt đầu mở cửa cho thương mại và đầu tư nhiều hơn.

Các gia đình trung lưu tại quốc gia Nam Á này thường được hưởng lợi từ an ninh kinh tế. Thế nhưng giờ đây, tầng lớp trung lưu, những người chưa bao giờ phải suy nghĩ nhiều về nhiên liệu hoặc thực phẩm, đang phải vật lộn để xoay xở ba bữa ăn một ngày.

Bà Bhavani Fonseka, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Các giải pháp thay thế chính sách ở Thủ đô Colombo, cho biết: “Họ [tầng lớp trung lưu] đã thực sự bị xáo trộn chưa từng có trong ba thập niên qua".

“Nếu tầng lớp trung lưu đang gặp khó khăn như thế này, hãy tưởng tượng những người dễ bị tổn thương hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào” - bà Fonseka nói thêm.

Những giải pháp tạm thời

Chính phủ Sri Lanka hôm 14-6 đã thông qua đề xuất cho công chức được nghỉ làm ngày thứ Sáu hàng tuần trong ba tháng tới nhằm khuyến khích họ tham gia trồng trọt, cũng như đối phó tình trạng thiếu nhiên liệu kinh niên.

“Cho phép các công chức nghỉ một ngày làm việc… để thúc đẩy họ tham gia hoạt động nông nghiệp tại nhà hoặc nơi khác dường như là quyết định phù hợp để ứng phó tình trạng thiếu thực phẩm” - văn phòng thông tin chính phủ Sri Lanka cho biết.

Người dân Sri Lanka xếp hàng mua nhiên liệu. Ảnh: Adnan Abidi/REUTERS

Người dân Sri Lanka xếp hàng mua nhiên liệu. Ảnh: Adnan Abidi/REUTERS

Theo hãng tin Reuters, đồng nội tệ mất giá, giá hàng hóa toàn cầu tăng và chính sách cấm phân bón hóa học (hiện đã được đảo ngược) đã đẩy lạm phát thực phẩm tại Sri Lanka lên 57% trong tháng 4.

Vào ngày 23-6, quốc hội Sri Lanka thông báo hủy các cuộc họp còn lại trong tuần để tiết kiệm nhiên liệu. Thông báo đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhà chức trách đóng cửa trường học và một số văn phòng bang vì lý do tương tự.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera cho biết lô hàng xăng dự kiến chuyển đến hôm 23-6 đã bị hoãn lại và kêu gọi những người đi xe cắt giảm việc đi lại.

Bỏ lỡ cơ hội

Ông Wickremesinghe nhậm chức sau nhiều ngày các cuộc phản đối dữ dội về tình trạng khủng hoảng kinh tế của đất nước. Hôm 22-6, Thủ tướng Wickremesinghe đổ lỗi cho chính phủ tiền nhiệm vì đã không hành động kịp thời khi dự trữ ngoại hối của Sri Lanka giảm mạnh.

Cuộc khủng hoảng ngoại tệ đã làm hạn chế nhập khẩu, tạo ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng bao gồm cả thuốc men và buộc mọi người phải đứng xếp hàng dài để có thể mua được những nhu yếu phẩm.

“Nếu [chính quyền tiền nhiệm] ngay từ đầu thực hiện ít nhất các bước để làm chậm lại sự sụp đổ của nền kinh tế, chúng tôi đã không phải đối mặt với tình huống khó khăn như ngày hôm nay. Nhưng chúng ta đã đánh mất cơ hội này. Chúng ta hiện đang thấy các dấu hiệu về khả năng [nền kinh tế] rơi xuống đáy vực" - ông Wickremesinghe nhận định.

Cho đến nay, Sri Lanka chủ yếu được hỗ trợ bởi 4 tỉ USD trong hạn mức tín dụng từ nước láng giềng Ấn Độ. Nhưng ông Wickremesinghe cảnh báo Ấn Độ sẽ không thể giữ Sri Lanka trụ vững trong thời gian dài.

Quốc gia Nam Á này cũng đã nhận được cam kết viện trợ 300 đến 600 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để mua thuốc và các mặt hàng thiết yếu khác.

Sri Lanka đã thông báo sẽ đình chỉ trả khoản nợ nước ngoài 7 tỉ USD đến hạn trong năm nay, trong khi chờ kết quả của các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói giải cứu mới. Ước tính trung bình mỗi năm Sri Lanka phải trả 5 tỉ USD cho đến năm 2026.

Lựa chọn duy nhất

Thủ tướng Wickremesinghe cho biết sự giúp đỡ của IMF dường như là lựa chọn duy nhất của đất nước hiện nay. Các quan chức của IMF đang đến Sri Lanka để thảo luận về gói giải cứu mới, kỳ vọng có thể sẽ đạt được vào cuối tháng 7 này.

“Chúng tôi đã kết thúc các cuộc thảo luận ban đầu cũng như đã trao đổi ý kiến về nhiều lĩnh vực khác nhau” - ông Wickremesinghe cho hay.

Đồng thời ông cho biết đại diện của các cố vấn tài chính và pháp lý cho chính phủ về tái cơ cấu nợ cũng đang đến đảo quốc này và một đoàn từ Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ đến đó vào tuần tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm