Thủ tướng: Việt Nam có 3 cam kết lớn với nhà đầu tư

(PLO)- Cắt bỏ những rào cản về thủ tục hành chính để tạo ra khuôn khổ mạnh mẽ hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển”.

Lo thủ tục hành chính chậm cản trở tiến độ dự án

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham), đánh giá cao những nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Chính phủ trong thời gian qua, song cho rằng quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của DN cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Đại diện AmCham cho biết sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ những nút thắt này, đồng thời giúp Chính phủ xây dựng môi trường pháp lý theo các tiêu chuẩn toàn cầu. “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai hiệu quả đầu tư nước ngoài cũng như xem xét thận trọng các dự thảo luật, quy định để tránh áp dụng những thủ tục tạo thêm gánh nặng hành chính” - ông John Rockhold nêu.

w-P11-thu-tuong -chinh-phu 2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị. Ảnh: VGP

Trong tháng này, các thành viên AmCham sẽ có buổi làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) để chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến thủ tục hành chính và lắng nghe những sáng kiến mới nhất của Chính phủ về cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, đại diện DN Mỹ cũng quan tâm tới mối quan hệ giữa cung - cầu điện và cho rằng Chính phủ cần có cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo hợp tác công - tư để phát triển nguồn cung ứng điện bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng.

“Cộng đồng DN mong muốn Chính phủ đơn giản hóa hệ thống quy định về năng lượng tái tạo, trong khi các nhà đầu tư mới sẽ nghiên cứu khả năng tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy trước khi đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi rất vui khi Chính phủ đã ban hành các quy định cụ thể về năng lượng mặt trời áp mái vào tuần trước” - đại diện AmCham nêu.

Trong khi đó, ông Bruno Jaspert, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC (nhà đầu tư Bỉ), đề nghị Chính phủ đưa ra chính sách khuyến khích khu công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn. Kèm theo đó cần đưa ra các chính sách thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn tuân thủ để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững.

Theo ông Bruno, nhiều bước đi theo định hướng đúng đã được thực hiện, tuy nhiên chặng đường hướng tới trung hòa carbon còn dài. Ông Bruno cho rằng Việt Nam cần có chiến lược cho phép các khu công nghiệp và các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động cơ thay đổi hướng tới mục tiêu này.

Lấy ví dụ, vị này cho hay Việt Nam đang đối mặt với việc thiếu nguyên vật liệu san lấp. Tại châu Âu đã cho phép trong thiết kế đường trở thành hệ thống thoát nước thay vì thiết kế nâng cao độ đường. “Không có lý do gì Việt Nam không làm được điều này, thậm chí hơn nữa. Nhưng hệ thống pháp lý chưa rõ ràng nên chưa triển khai được” - ông Bruno nói.

Đảm bảo môi trường pháp lý kinh doanh ổn định

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục để hoàn thiện các chính sách và cơ chế quản lý ở Việt Nam, kết hợp với việc chồng chéo giữa trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan chức năng có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch và nhất quán trong các chính sách và quyết định.

Điều này có thể thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau như đầu tư, quy định nhập khẩu, cấp phép…, với những hậu quả tiêu cực không thể tránh khỏi đối với cộng đồng DN. Vì vậy cần thiết xây dựng, duy trì và đảm bảo một môi trường pháp lý kinh doanh ổn định, minh bạch và thuận lợi.

Ông GAUR DATTATREYA, CEO Công ty Bosch Global Software Technologies

Là một đại diện nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Minh Đỗ, Giám đốc quốc gia Quỹ đầu tư Warburg Pincus có quy mô 2 tỉ USD tại Việt Nam, cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô cũng như là cầu nối cho các quỹ đầu tư và các công ty hàng đầu thế giới đến với Việt Nam.

Ông Minh Đỗ cũng đề nghị Chính phủ có thể xem xét tháo gỡ vấn đề huy động vốn cho các ngân hàng Việt Nam để duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cần thiết bằng cách tăng giới hạn sở hữu nước ngoài. Đồng thời, xem xét tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư cho các dự án điển hình như khách sạn Metropole Hà Nội, hay dự án tích hợp Hồ Tràm Grand “để có thể nhanh chóng triển khai đầu tư, nâng tầm dự án”.

Cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành

Lắng nghe chia sẻ và kiến nghị cụ thể của đại diện các hiệp hội, DN FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các nhà đầu tư đã tới Việt Nam và vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội và thời cơ để luôn đồng hành cùng Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ ba cam kết lớn với nhà đầu tư: Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.

Thứ hai, luôn đồng hành cùng các DN vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và bền vững.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao.

Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các DN; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…

Đồng thời lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của DN, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng các DN, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dành tình cảm, đặt niềm tin, hợp tác chặt chẽ và “luôn yêu quý Việt Nam như quê hương của mình”.

Nhà đầu tư có thể tham gia xử lý ngân hàng yếu kém

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định luôn đảm bảo thanh khoản cũng như điều hành linh hoạt lãi suất.

Liên quan đến tỉ giá tiền tệ, NHNN đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn, ổn định tỉ giá. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

w-P11-ông Phạm Thanh Hà - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).jpg
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

“NHNN luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì NHNN can thiệp để mua vào” - ông Hà nói.

Về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. NHNN cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm