Chiều 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Xử lý nghiêm vi phạm
Tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (DN) là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên, song hành với đó là sự xuất hiện của những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp.
Dẫn báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Tuyến thông tin chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra, kiểm tra và có 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành với số tiền trên 20 tỉ đồng.
Theo thứ trưởng công an, các vi phạm chủ yếu tập trung vào các hành vi như công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng phức tạp.
Đối với thị trường trái phiếu DN, ông Tuyến cho hay sai phạm chủ yếu là phát hành trái phiếu DN khi tỉ lệ tài sản đảm bảo thấp. Đây là trường hợp DN có vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả sản xuất, kinh doanh thấp, thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn trái phiếu DN với mục đích huy động vốn cho công ty mình...
Theo ông Tuyến, tội phạm trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ được coi là “tội phạm ẩn”, diễn ra thời gian dài, khi bị phát hiện gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra xử lý của các cơ quan chức năng.
Thiếu tướng Lê Văn Tuyến cho rằng để đảm bảo an toàn minh bạch thị trường, giám sát thị trường chứng khoán, cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ. Đặc biệt, Bộ Công an đề nghị Bộ Tài chính tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung những quy định vướng mắc bất cập trên các lĩnh vực về thị trường chứng khoán…
Cần tăng cường trách nhiệm quản lý
Từ điểm cầu TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng việc xử lý tiêu cực trên thị trường, tuy được đánh giá là có chậm nhưng chúng ta làm quyết liệt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Ông Ngân nêu tám kiến nghị để phát triển thị trường chứng khoán một cách an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Đáng chú ý, vị đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị phải kịp thời phát hiện và xử lý ngay, nghiêm tất cả vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả mặt, kể cả khâu công bố thông tin chưa kịp thời, chưa đúng quy định.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khẳng định ngăn chặn việc lũng đoạn thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trong việc xảy ra lũng đoạn thị trường thì bản thân các cơ quan quản lý nhà nước phải biết trước điều này và thực hiện vai trò của mình. Do đó, ông Cường kiến nghị cần tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan được giao trách nhiệm kiểm soát thị trường.
Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế
Trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến thị trường vốn có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.
Theo người đứng đầu Chính phủ, sẽ có nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của chủ tịch Công ty FLC, Công ty Chứng khoán Trí Việt... Và sẽ có nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đến thị trường chứng khoán...
Thủ tướng cũng cho rằng nếu không làm quyết liệt, “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, DN, người dân. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành” - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ, với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có hiệu quả.
“Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải xét đến quyền lợi nhà đầu tư ngay tình
Đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng thị trường tài chính và bất động sản vừa qua phát triển nóng và có lơi lỏng kiểm soát trong thời gian dài. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần can thiệp và sự can thiệp này là cần thiết.
“Việc can thiệp thị trường là cần thiết nhưng cần minh bạch, chuyên nghiệp, không nên duy ý chí, bất chấp quy luật, dân túy, chạy theo dư luận nhất thời. Đặc biệt, phải xét đến quyền lợi của các nhà đầu tư ngay tình” - ông Nghĩa cho rằng vừa qua, sự can thiệp là hơi chậm, để vi phạm xảy ra, thiệt hại nhiều mới “thổi còi” là chậm trễ.
“Việc xử lý với FLC và Tân Hoàng Minh và một số vụ khác là cần thiết và được hoan nghênh. Tuy nhiên, FLC và Tân Hoàng Minh không đại diện cho tất cả DN trên thị trường” - vẫn lời luật sư Trương Trọng Nghĩa.
Ông cũng cho rằng việc thắt chặt huy động vốn, tín dụng thông qua thị trường chứng khoán và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết.