Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu tiêm vaccine cho học sinh sớm trở lại trường

Sáng 28-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm tại Văn phòng Chính phủ, kết nối với Bộ GD&ĐT, 63 tỉnh/thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các cơ sở giáo dục.

Đề xuất kéo dài năm học 2021-2022

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2020-2021 toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về triển khai đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đề ra.

Đây cũng là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT đánh giá năm học 2020-2021, ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Trong năm học tới, Bộ GD&ĐT xác định dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp và kéo dài, vì thế năm học 2021-2022 sẽ chú trọng vào việc chuyển đổi trạng thái hoạt động, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường ở các địa phương phải tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh có thể được kiểm soát.

Ngoài bậc giáo dục mầm non không dạy học trực tuyến, các bậc học còn lại chuẩn bị điều kiện cho việc dạy học trực tuyến, xem đây là một giải pháp quan trọng khi học sinh không thể đến trường do dịch bệnh.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

Tại cuộc họp Bộ GD&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành y tế có giải pháp để sớm thực hiện việc tiêm vaccine cho học sinh, trước mắt là học sinh trung học phổ thông.

Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT nghiên cứu cứu tiêm vaccine cho học sinh

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trường học hoạt động trở lại là mong ước của mọi học sinh, giáo viên, phụ huynh, nhà trường. Vì thế, Chính phủ đang triển khai theo hướng Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em, căn cứ vào khoa học, quy định độ tuổi để tính toán, phân bổ.

Loại vaccine nào được nhiều nước sử dụng tiêm cho trẻ em thì trong thời gian tới, khi nhập Việt Nam về sẽ dành để tiêm cho trẻ em. Đồng thời thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để chủ đồng nguồn cung.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho học sinh. Các học sinh được tiêm đủ hai mũi vaccine có thể đến trường học bình thường kèm thêm các giải pháp chống dịch khác.

Thủ tướng cho hay đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại: Nơi nào thiếu vaccine cho giáo viên sẽ được bổ sung để sớm tổ chức tiêm khi bước vào năm hoc mới. Cùng với tiêm vaccine, các nhà trường vẫn phải đảm bảo các điều kiện vật chất và tuân thủ nghiêm các giải pháp an toàn chống dịch khác.

Một trong những trăn trở khác được Thủ tướng lưu ý với ngành giáo giục chính là việc xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên đảm bảo các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc cao nhất "ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên", nhất quyết không thể để xảy ra tình trạng thất học.

Trước thềm năm học mới 2021-2022, vẫn có rất nhiều tỉnh thiếu giáo viên trầm trọng như Nghệ An thiếu gần 8.000 giáo viên, Gia Lai thiếu 3.700 giáo viên, Thanh Hóa, Đắc Lắc… Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phải thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình thiếu giáo viên để cùng các địa phương có giải pháp phù hợp.

“Bên cạnh việc xem xét bổ sung giáo viên cũng cần cân nhắc giải pháp chuyển đổi vị trí việc làm của giáo viên trong tình huống thừa giáo viên ở cấp học khác nhưng thiếu giáo viên ở mầm non. Chúng ta phải nghiên cứu lại thế nào cho phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm, phải đảm bảo quyền lợi cao nhất là học sinh được học tập. Không được để học sinh thất học" - Thủ tướng nêu ra những gợi ý để Bộ GD&ĐT xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới