Theo tôi được biết trước đây thừa phát lại được áp dụng biện pháp cưỡng chế khi thi hành án (THA), thậm chí có trường hợp cưỡng chế có lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, mới đây tôi có nghe Chính phủ ban hành nghị định mới về hoạt động của thừa phát lại, trong đó có quy định việc thừa phát lại không được cưỡng chế khi THA. Xin hỏi, nội dung này của nghị định mới được quy định cụ thể như thế nào?
Bạn đọc Phương Trần (TP.HCM)
Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM: Khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/2020 (có hiệu lực từ
24-2-2020) quy định khi tổ chức THA, thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Áp dụng các biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật THA dân sự.
- Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật THA dân sự.
- Xử phạt vi phạm hành chính.
- Yêu cầu tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để THA theo quy định tại Điều 74 của Luật THA dân sự.
- Yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật THA dân sự.
- Các quyền yêu cầu tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để THA, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật THA dân sự.
Như vậy, có thể thấy Nghị định 08/2020 đã có thay đổi so với quy định trước đây tại Nghị định 61/2009 khi không cho phép thừa phát lại sử dụng các biện pháp bảo đảm hay các biện pháp cưỡng chế THA.
Các biện pháp bảo đảm bao gồm: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Các biện pháp cưỡng chế THA bao gồm:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải THA.
- Trừ vào thu nhập của người phải THA.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải THA.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải THA thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.