Quốc hội (QH) vừa thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với nhiều nội dung mới, vượt trội so với Nghị quyết 54/2017. Đây chắc chắn là cơ hội cho TP ở cả phương diện hành chính - chính trị, kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị TP cùng sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ kịp thời từ trung ương.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí. |
Cơ chế cho TP.HCM nhưng đóng vai trò vì cả nước
Tôi cho rằng với nghị quyết mới, TP.HCM trở thành địa phương “điểm” để kiểm nghiệm tính đúng đắn của chính quyền đô thị. Tuy đây là cơ chế đặc thù vượt trội dành cho TP.HCM nhưng lại đóng vai trò lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương lân cận, vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh miền Tây và cả nước.
Nghị quyết mới vừa có khả năng hóa giải những điểm nghẽn tồn đọng phát sinh trong cơ chế cũ, vừa là bệ phóng để TP.HCM phát huy tiềm năng và nội lực nội tại của mình, từ đó khắc phục những vướng mắc, tạo lập và phát triển những giá trị mới về kinh tế, chính trị, xã hội cho TP.
Cụ thể, các nội dung của nghị quyết mới khá toàn diện và có tính bao quát hơn so với Nghị quyết 54, có thể giải quyết những vướng mắc hiện có và thúc đẩy TP.HCM phát triển tương thích với vị thế của mình.
Như việc TP.HCM ngoài việc là trung tâm kinh doanh, phân phối và tiêu thụ hàng hóa cả nước thì còn là trung tâm logistics của cả nước, là trung tâm trung chuyển hàng hóa, đầu mối xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam. Đây cũng là đô thị duy nhất có TP thuộc TP, là đô thị trọng điểm có kết nối vùng. Khu công nghệ cao TP thu hút trên 10 tập đoàn hàng đầu toàn cầu đầu tư với kim ngạch xuất khẩu chiếm 48,9% tổng kim ngạch xuất khẩu TP…
Với những vị thế đó, ngoài giữ nguyên các cơ chế tài chính, thương mại, đầu tư thì một số nội dung mới được bổ sung rất sát với nhu cầu đặt ra của TP. Chẳng hạn việc thành lập Sở An toàn thực phẩm sau sáu năm thí điểm Ban An toàn thực phẩm nhằm giải quyết các vấn đề về quản lý thực phẩm vốn phức tạp tại đô thị lớn như TP.HCM.
Hay quy định HĐND TP có thẩm quyền quyết định số cán bộ phường, xã phù hợp quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn là quy định cởi trói nút thắt rất bức bách về nhân sự xã, phường ở TP thời gian qua.
Bên cạnh sự quyết tâm, kiên trì thì cần thêm sự dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức TP.HCM trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.
Việc triển khai nghị quyết mới cho TP.HCM không chỉ là trách nhiệm chính trị to lớn của TP.HCM mà còn của trung ương cùng các bộ, ngành. Ảnh: NGUYỄN TIẾN |
Phải quyết tâm và dấn thân để thực hiện nghị quyết
Cùng với những cơ hội, TP.HCM cần nhìn thấy rõ nhiều thách thức đặt ra trong thời gian tới để có những bước đi chín chắn và thực hiện nghị quyết đạt kết quả tốt nhất. Bởi nhiều nội dung trong Nghị quyết 54 đến nay chưa được triển khai thực hiện, nay lại giữ nguyên trong nghị quyết mới.
Vì vậy, TP.HCM cần bàn về khả năng áp dụng và phát huy hết năng lực để tận dụng các cơ chế đặc thù mà trung ương giao. Bởi việc thực hiện nghị quyết mới ra sao sẽ quyết định trực tiếp đến tương lai pháp lý của chính quyền đô thị TP.HCM nói riêng và chính quyền đô thị nói chung.
TP.HCM từng thí điểm nhiều cơ chế đặc thù, mỗi cơ chế ngoài mang lại những cơ hội mới thì còn có những vướng mắc, điểm nghẽn… Tuy nhiên, trên tất cả, sự kiên trì, sự quyết tâm vẫn chiến thắng và là điểm mạnh nổi bật của chính quyền TP.HCM sau mỗi cơ chế đặc thù.
Đến nghị quyết lần này, có lẽ ngoài quyết tâm thì còn cần sự dấn thân và cả sự hy sinh nhất định trong chính quyền khi triển khai nghị quyết bởi sự phức tạp, đa dạng về nội dung, sự sâu rộng về mức độ và đặc biệt đều là những nội dung có tính chuyên môn, ngành, lĩnh vực rất cao.
Tôi cho rằng việc trải qua bao cơ chế đặc thù mà hệ thống chính trị TP.HCM vẫn không nản chí, trái lại càng quyết tâm cao, cho thấy thắng lợi bước đầu về sự kiên trì, bền chí - một tố chất thuộc về bản lĩnh chứ không đơn giản là tính cách của nhân sự lãnh đạo TP.HCM. Tuy nhiên, sự quyết tâm, kiên trì, bền chí vẫn chưa đủ mà cần thêm là sự dám nghĩ, dám làm - yêu cầu này đối với TP.HCM trong cơ chế đặc thù lại càng đòi hỏi bức thiết hơn.
Một trong những thách thức nữa mà tôi nhận thấy là nghị quyết mới đã không đặt ra cơ chế kiểm soát đặc thù cho những nội dung đặc thù dành cho TP.HCM.
Đặc biệt, có những nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như quy định thu phí, lệ phí nằm ngoài danh mục Luật Phí, lệ phí; quy định áp dụng hình thức đầu tư BOT, BT… đều có nguy cơ cao dẫn đến lạm quyền nếu không có cơ chế kiểm soát phù hợp. Mặc dù trong nghị quyết mới có đưa ra yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của QH, Chính phủ, HĐND các cấp và có cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình nhưng trong nội dung lại không đề cập đến vấn đề này.
Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Các bộ, ngành cần hỗ trợ kịp thời cho TP.HCM
Với nhiều thách thức được đặt ra, trung ương và TP.HCM đều cần chuẩn bị tâm thế cho việc tổ chức thi hành nghị quyết mới. Theo tôi, sự chủ động của TP.HCM là quan trọng để việc triển khai nghị quyết được hanh thông.
Chẳng hạn, TP.HCM cần nhanh chóng thông tin về nghị quyết đến mọi cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; sớm ban hành những văn bản hướng dẫn, chi tiết các quy định của nghị quyết. Yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị, ngành, chính quyền và cấp chính quyền ở TP.HCM phải có định hướng và kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức thực hiện ở đơn vị mình, ngành mình, cấp mình; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong từng nội dung có liên quan...
Chính quyền TP.HCM cũng cần sớm ban hành văn bản phân cấp, ủy quyền cho cơ quan, đơn vị theo quy định của nghị quyết với các nội dung phù hợp để việc tổ chức thực hiện không bị ùn ứ. TP.HCM có thể nghiên cứu thành lập bộ phận tham mưu chuyên sâu trong quá trình tổ chức thi hành nghị quyết nhằm đưa ra những đề xuất chính xác cho TP.
Đặc biệt, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong cơ chế mới là quan trọng, do đó cần có công tác phổ biến để có sự tham gia, phối hợp khi triển khai và cũng là để phát huy tinh thần, trách nhiệm của cư dân đô thị với TP.HCM.
Về phía trung ương, việc triển khai nghị quyết cho TP.HCM cũng là trách nhiệm chính trị to lớn. Chính phủ cần có quy định chi tiết ngay sau khi nghị quyết được thông qua nhằm bảo đảm tính kịp thời trong việc triển khai nghị quyết. Cần có sự theo dõi, hỗ trợ kịp thời ở những điểm vướng phát sinh trong quá trình triển khai, tránh tồn đọng các vướng mắc, bất cập quá nhiều, ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của TP.HCM.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… cần có những hướng dẫn kịp thời, chính xác vấn đề mà TP.HCM đặt ra trong quá trình triển khai nghị quyết đặc thù.
Tương lai xa cần có luật riêng dành cho TP.HCM
Sở dĩ trung ương trao quyền mạnh cho TP.HCM so với các đô thị đồng cấp khác là bởi TP.HCM có nội lực và tiềm năng lớn, được hình thành một cách vững chắc qua thời gian tích lũy từ quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.
Khả năng gánh vác và quyết tâm của TP.HCM trong nhiệm vụ thí điểm một chính sách mới khá nặng nề mà không phải đô thị nào cũng làm được. Điều này được chứng minh qua sự bền bỉ, kiên trì theo đuổi cơ chế đặc thù và mô hình chính quyền đô thị TP.HCM trong suốt thời gian qua.
Nghị quyết lần này với nhiều nội dung trao quyền mạnh, vượt trội cho thấy sự tin tưởng, gửi gắm của trung ương dành cho TP, nhằm đi đến mục đích chung là minh chứng sự đúng đắn của thể chế chính quyền đô thị hiện nay.
Nếu TP.HCM thành công với cơ chế mới, bước tiếp theo xa hơn có thể là một luật chung về chính quyền đô thị ra đời hoặc là một luật riêng cho TP.HCM thì cũng đều hợp lý và xứng đáng với một đô thị lớn nhất cả nước.
TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ