Sở, ngành TP.HCM nhập cuộc với nghị quyết mới

(PLO)- TP.HCM đang hoàn tất dự thảo nghị định cụ thể hóa tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách mà nghị quyết của Quốc hội giao để triển khai trong thời gian sớm nhất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để chuẩn bị cho việc thực hiện Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54/2017, ngay từ tháng 5-2023, UBND TP.HCM đã có kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Đến khi Quốc hội (QH) bấm nút thông qua, công tác này càng trở nên rốt ráo.

Nhiều dự án BOT tại TP.HCM sẽ “hồi sinh” sau khi TP thực hiện cơ chế mới. Trong ảnh: Kẹt xe thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 13 hướng về trung tâm TP do đường chưa được mở rộng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều dự án BOT tại TP.HCM sẽ “hồi sinh” sau khi TP thực hiện cơ chế mới. Trong ảnh: Kẹt xe thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 13 hướng về trung tâm TP do đường chưa được mở rộng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đầu tư PPP giúp TP.HCM đáp ứng sự kiện thể thao quốc tế

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Sở VH&TT TP.HCM cho biết đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo kế hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn theo hình thức đối tác công tư, xã hội hóa, gửi các sở, ngành góp ý, hoàn thiện trình lên UBND TP.HCM xem xét, phê duyệt.

Đồng thời, sở này cũng chuẩn bị danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đã đăng tải trên website của sở để xúc tiến mời gọi đầu tư.

Sở VH&TT nhìn nhận việc QH trao quyền cho TP được áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cơ sở pháp lý để ngành tập trung cao độ thực hiện đầu tư các dự án đa năng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo Sở VH&TT, việc này sẽ giúp đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển cơ sở vật chất của ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời tạo điều kiện cho TP chủ động, linh hoạt trong việc kêu gọi, triển khai các thủ tục đầu tư PPP, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Cơ chế này cũng góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, kỳ vọng đáp ứng được các sự kiện thể thao quốc tế.

“Với số dự án lĩnh vực văn hóa - thể thao đang được đề xuất, nếu kêu gọi thành công theo hình thức PPP sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế TP.HCM nói chung và cả nước nói riêng. Giúp tăng thu ngân sách thông qua việc cung cấp dịch vụ đa dạng, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao” - Sở VH&TT thông tin.

Những cơ chế, chính sách tăng cường phân cấp, ủy quyền sẽ là nguồn lực để TP.HCM phát triển hơn nữa, để người dân TP.HCM có cuộc sống tốt hơn.

Thực hiện nhiều đề án tổ chức bộ máy cho TP.HCM

Phụ trách tham mưu nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị cho phù hợp với tình hình của TP, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết sở đã tham mưu thành lập Ban chỉ đạo của TP để triển khai thực hiện nghị quyết mới. Đồng thời, sở cũng tham mưu ban hành các kế hoạch của Thành ủy, UBND TP trong việc phân công trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, triển khai đồng bộ những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP.

Đi sâu vào những cơ chế, chính sách đặc thù của TP vừa được QH thông qua, Sở Nội vụ nhìn nhận nghị quyết mới đã mở rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền ở một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP.HCM. Qua đó đã tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP phát triển theo nguyên tắc chỉ phân cấp, ủy quyền một cấp. Đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Theo Sở Nội vụ, việc phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực một cách khoa học, hợp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền. Việc này cũng góp phần giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện…

“Những cơ chế, chính sách tăng cường phân cấp, ủy quyền sẽ là nguồn lực để TP tiếp tục đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, để người dân TP.HCM có cuộc sống tốt hơn và TP.HCM ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn” - Sở Nội vụ khẳng định.

Trình HĐND TP.HCM danh mục dự án BOT vào tháng 7

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM, cho biết TP sẽ trình HĐND TP tám tờ trình liên quan đến cơ chế, chính sách cụ thể hóa nghị quyết mới như chính sách về kích cầu, giảm nghèo, mô hình TOD, thu hồi đất… Từng đầu việc được phân công cho các sở, ban ngành với trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng; từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng.

Còn theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hiện sở này đã rà soát, đánh giá và đề xuất quy định, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của các doanh nghiệp tham gia đầu tư và danh sách các dự án BOT để UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp tháng 7.

Ông An cho biết với cơ chế đề xuất áp dụng hình thức hợp đồng BOT, TP sẽ tập trung đối với các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TP.HCM như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22…

Đối với cơ chế áp dụng mô hình TOD, sở cũng chủ động rà soát, xác định phạm vi vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt đô thị, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP; phối hợp với Sở QH-KT đề xuất danh mục các dự án đầu tư công độc lập để khai thác quỹ đất bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

Ráo riết để nghị định có hiệu lực cùng thời điểm với nghị quyết

Đáng chú ý, TP.HCM đang trong quá trình hoàn tất dự thảo nghị định cụ thể hóa tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách mà nghị quyết của QH giao, để triển khai các cơ chế cụ thể trong thời gian sớm nhất.

Được giao chủ trì nội dung này, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết sau khi dự thảo đề cương và tờ trình nghị định gửi các sở, ngành góp ý, Sở Tư pháp đã nghiên cứu tiếp thu, tổng hợp, báo cáo UBND TP các nội dung cần thống nhất trước khi đưa vào dự thảo nghị định.

Để đảm bảo nghị định được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của nghị quyết của QH, Sở Tư pháp đã tham mưu và UBND TP đã có công văn gửi Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn được giao tham gia phối hợp với các sở, ngành trong việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành theo thẩm quyền để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển TP.HCM và TP Thủ Đức.

Sở Tư pháp cho biết do thời gian thực hiện gấp rút, nhiều nội dung chính sách trong nghị quyết rất mới, chưa có quy định hoặc đang dự thảo trong các luật chuyên ngành nên Sở Tư pháp cũng như các sở, ngành liên quan còn lúng túng và gặp khó trong tham mưu, tổng hợp cũng như xây dựng các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương và với tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, các sở, ngành đã mạnh dạn đề xuất các nội dung hướng dẫn, đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ KH&ĐT hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm