Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Nghị quyết mới chỉ thành công thực sự khi tổ chức thực hiện đạt kết quả

(PLO)- Chủ tịch TP.HCM nhìn nhận một trong những yếu tố để triển khai Nghị quyết 98 thành công là tổ chức bộ máy và con người, bởi cán bộ là người trực tiếp thực thi nghị quyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-6, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 9 và tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị 6 do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 4, sau kỳ họp thứ năm, QH khoá XV và trước kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri góp ý về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi số…

Toàn cảnh buổi tiếp xúc. Ảnh: HÀ THƯ

Toàn cảnh buổi tiếp xúc. Ảnh: HÀ THƯ

Không lợi dụng nghị quyết mới để sai phạm

Cử tri Nguyễn Xuân Hiển, Hội Luật gia quận 4, nhắc lại việc thực hiện Nghị quyết 54 trước đây còn chậm do cơ chế đặc thù chưa ngang tầm với sự phát triển của TP.

Để thực hiện nghị quyết mới đạt kết quả tích cực và mang lại nhiều giá trị cho TP, cử tri Hiển đề nghị ĐBQH và HĐND TP có sự chuẩn bị sớm để triển khai những quy định và cơ chế đặc thù mang tính tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, giải quyết điểm nghẽn, phát huy tiềm năng của TP.

Từ đó giúp TP phát triển đột phá mạnh mẽ, vượt trội về chính sách đúng theo tinh thần Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, tính đến phát triển có trọng tâm và không dàn trải như trước đây.

“Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng lợi dụng cơ chế mới, chính sách đặc thù để tạo ra sai phạm” - cử tri Hiển nêu.

Cử tri Nguyễn Xuân Hiển, Hội Luật gia quận 4, phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HÀ THƯ

Cử tri Nguyễn Xuân Hiển, Hội Luật gia quận 4, phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HÀ THƯ

Cử tri Nguyễn Văn Hưng cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thị trường bị thu hẹp, thiếu hụt dòng tiền, khó tiếp cận vốn vay, nhiều doanh nghiệp chuyển sang nợ xấu.

“Đề nghị lãnh đạo TP quan tâm hỗ trợ chúng tôi tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất vay của ngân hàng, mở rộng room tín dụng…” – cử tri Hưng ý kiến.

Cán bộ là người trực tiếp thực thi nghị quyết

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã điểm qua tình hình kinh tế của TP sáu tháng đầu năm. Theo ông, trong khó khăn chung của cả nước thì kinh tế TP khó khăn hơn do nền kinh tế TP mở hoàn toàn, chịu ảnh hưởng đồng thời với biến động của kinh tế thế giới.

Vì đơn hàng đến từ các nước trên thế giới giảm nên sản xuất trong nước thu hẹp lại, việc làm bị cắt, thu nhập của người lao động giảm sâu, ảnh hưởng đến đời sống, an sinh, an ninh - trật tự của TP.

Song song đó, tình hình của TP.HCM có những khó khăn riêng mà các địa phương khác không có.

“Vụ việc liên quan đến ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội TP.HCM rất lớn và tác động đến cán bộ, khiến một bộ phận cán bộ, cơ quan e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm” - ông Phan Văn Mãi dẫn chứng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tiếp thu. Ảnh: HÀ THƯ
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tiếp thu. Ảnh: HÀ THƯ

Ông cho rằng từ khó khăn do dịch COVID-19 để lại, do tồn đọng trước đây, những sự việc xảy ra từ năm ngoái đến năm nay, “nội công ngoại kích” khiến sáu tháng đầu năm của TP.HCM có nhiều khó khăn.

Về hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn để duy trì sản xuất, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin từ đầu năm 2023 đến nay, gần như mỗi tháng ông đều ngồi lại với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp TP... để bàn chuyện kết nối với doanh nghiệp. Qua đó, TP đã giải quyết có sự linh hoạt so với quy định về hạn mức tín dụng, tài sản thế chấp cho các doanh nghiệp.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, có kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hạ mặt bằng lãi suất, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay hơn.

Cũng tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã thông tin với cử tri về các nội dung liên quan đến Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua.

“Nghị quyết được thông qua coi như là thành công bước đầu nhưng thành công thực sự là chúng ta phải tổ chức thực hiện đạt được kết quả” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch TP.HCM, TP đã xác định các nội dung cụ thể hoá nghị quyết mới cần trình cho HĐND TP.HCM trong các kỳ họp tháng 7, tháng 9, tháng 12-2023. Ngày 7-7 tới, Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn TP để triển khai, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của UBND, HĐND TP.

Sau đó, TP sẽ có theo dõi, phân công cụ thể, đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật và có các biện pháp về công tác sắp xếp, điều chỉnh cán bộ để thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, Thành ủy TP dự kiến sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nghị quyết do Bí thư Thành ủy TP làm trưởng ban. Trong Ban Chỉ đạo sẽ còn có các tổ công tác làm sao huy động được trí tuệ, nguồn lực từ trong và ngoài nước để góp ý thực hiện nghị quyết đạt kết quả tốt nhất.

“Một trong những yếu tố để triển khai nghị quyết thành công là tổ chức bộ máy và con người, vì cán bộ là người trực tiếp thực thi nghị quyết” – ông Phan Văn Mãi nói và cho biết TP đang triển khai đề án nâng cao chất lượng nền hành chính công vụ TP, chú ý cả về con người và cơ chế chính sách, công cụ hỗ trợ.

Công khai kết quả phiếu tín nhiệm

Tôi cho rằng cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH và HĐND bầu để người dân được nắm rõ. Bởi điều này thể hiện tính công khai, dân chủ, minh bạch, là cơ sở để bổ nhiệm cán bộ, chọn được cán bộ tiêu biểu làm lãnh đạo.

Đây cũng là cơ sở để Ủy ban MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và người dân thực hiện quyền giám sát đối với những người giữ chức vụ cho QH và HĐND bầu.

Qua đó, đánh giá được kết quả hoàn thành nhiệm vụ của họ, nâng cao sự đồng thuận của người dân, tạo niềm tin của người dân đối với Đảng và chính quyền.

Cử tri NGUYỄN TỨ HẢI, quận 4

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm