Thực hiện Quy hoạch TP.HCM: Cùng hành động cho khát vọng lớn

(PLO)- Quy hoạch TP.HCM chính là kim chỉ nam để lãnh đạo, chính quyền TP tổ chức quy hoạch bộ máy nhân sự, cơ chế để đưa các mục tiêu về đích.

Hôm 31-12, ngày cuối cùng của năm 2024, TP.HCM đón nhận cùng lúc nhiều tin vui. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được kỳ vọng là kim chỉ nam cho sự vận hành, phát triển toàn diện của TP trong thời gian tới.

PGS-TS PHẠM THỊ THANH XUÂN (*)

Nhận thức đúng về Quy hoạch TP.HCM

Có lẽ hai chữ “khát vọng” chính là sự mô tả phù hợp nhất khi xem hết các nội dung trong Quy hoạch TP.HCM, cũng như các chỉ đạo của chính quyền TP trong thời gian qua, gần nhất là Chỉ thị 19 ngày 31-12-2024. Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao quát rất nhiều nội dung vĩ mô với nhiều mục tiêu lớn, như việc tập trung phát triển hàng loạt công trình trọng điểm về giao thông, hạ tầng, đô thị; thúc đẩy các mô hình kinh tế mới (như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số), phát triển không gian TP theo hướng đa trung tâm; phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Cùng ngày 31-12-2024, chủ tịch UBND TP.HCM cũng ký ban hành Chỉ thị 19 về việc tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng. Đây được xem là một lời hiệu triệu của lãnh đạo TP nhằm bắt tay ngay lập tức vào việc triển khai Quy hoạch TP.HCM, cùng hàng loạt nhiệm vụ liên quan khác để đạt được những mục tiêu quan trọng, mang tính sống còn mà Trung ương tin tưởng giao phó, TP tự tin và quyết tâm theo đuổi, thực hiện.

Khoan bàn về cơ chế và con người, việc đầu tiên cần làm để hiện thực hóa những khát khao của TP, đó là xây dựng nhận thức đúng về vai trò của Quy hoạch TP.HCM đã được Trung ương phê duyệt. Quy hoạch không đơn thuần chỉ là bản vẽ kỹ thuật hay tập hợp các kế hoạch một cách liệt kê, công thức, cơ học. Quy hoạch phải được xem là “tuyên ngôn” về tầm nhìn và khát vọng chung, là kim chỉ nam để thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, từ những người lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia, giới khoa học, tư vấn chính sách đến doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội, người dân, kiều bào…

Cán bộ UBND quận Tân Bình, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Khi chưa có quy hoạch, dù có nỗ lực thì các kế hoạch, hành động dễ lâm vào tình trạng rời rạc. Bởi lẽ chúng ta chưa thể hình dung rõ ràng về hình hài, diện mạo, sự vận hành của TP.HCM trong tương lai ra sao. Một khi tất cả mọi người, từ lãnh đạo đến quản lý, hệ thống hành chính đến người dân, doanh nghiệp… có thể hình dung rõ về tương lai kỳ vọng của TP.HCM thông qua quy hoạch, họ sẽ biết cách đóng góp sức lực của mình ở đâu, như thế nào, mức độ nào. Tất cả sẽ tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ, đưa khát vọng chung của TP trở thành khát vọng của tất cả mọi người; TP vì mọi người, mọi người vì TP.

Cải thiện vai trò quản trị chiến lược

Sau khi nhận thức đúng về Quy hoạch TP.HCM, việc tiếp theo chính là con người và cách làm. Con người ở đây là nhân lực, từ lãnh đạo đến nhà quản lý, nhân viên thực thi; cách làm ở đây tức là cơ chế, chính sách, quy trình, lộ trình… Việc này đòi hỏi chính quyền TP.HCM phải ban hành các kế hoạch, đầu việc cụ thể với lộ trình, phân bổ nguồn lực, giám sát, quản lý hiệu quả, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm một cách phù hợp, rõ ràng, lượng hóa được.

Với Quy hoạch TP.HCM, rất nhiều việc vĩ mô, vô số việc vi mô nên phải khắc phục vai trò quản trị chiến lược để đảm bảo đúng người, đúng việc, đạt hiệu quả cao nhất.

Thế nhưng, thực tế ở đâu đó tại TP.HCM vẫn đang tồn tại một hiện tượng liên quan đến cả hai yếu tố con người và cách làm, đó là sự nhầm lẫn, lúng túng giữa vai trò quản trị và quản lý. Ví dụ, có những cán bộ giám đốc sở, tức là nhóm quản trị, lại phải ngồi xem xét, chỉnh sửa từng đề xuất nhỏ lẻ, phê duyệt từng đề án sửa chữa nhỏ trong bệnh viện, hay duyệt phương án nhà xe trong công viên… rất mất thời gian, tâm sức.

TP.HCM không thiếu tiềm năng

Tôi quan sát và đối sánh với nhiều quốc gia và TP. Tôi tin rằng TP.HCM không thiếu tiềm năng. Nếu chúng ta rà soát đầy đủ sẽ thấy nguồn lực của TP rất lớn: TP là một thị trường tiêu thụ khổng lồ, tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư. Dư địa trong cải tạo hạ tầng giao thông còn rất nhiều, giúp tăng khả năng lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế. Hàng ngàn tài sản công chờ được khai thác và chuyển đổi thành các địa chỉ vàng, phục vụ các hoạt động tiên phong như trung tâm tài chính, dữ liệu…

TP.HCM còn sở hữu nguồn nhân lực giỏi, cùng với hệ thống các trường ĐH hàng đầu, như một bộ lọc giữ chân nhân tài ở lại làm việc, cống hiến cho TP. Đây cũng là nơi hội tụ tất cả đầu mối giao thông đường bộ, hàng không, cảng... Thử hỏi có bao nhiêu TP trên thế giới có được tiềm năng đó? Tôi cho là rất ít.

Tóm lại, tất cả tiềm năng và khát vọng được thể hiện trong Quy hoạch TP.HCM nói chung và những kế hoạch, đề án liên quan nói riêng đều khả thi. Khát vọng này có thể trở thành hiện thực nếu việc triển khai hoạt động quản trị chiến lược đến từng tài nguyên, từng nguồn lực hợp lý; đảm bảo quản lý trong đó vận hành tác nghiệp với cơ chế phản hồi liên tục, đảm bảo luôn kịp thời và phù hợp với thực tế.

Hay như việc thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Thực tế ở một số sở, ngành vẫn còn lúng túng vì thiếu một bộ tiêu chí, quy định khung. Nhiều lãnh đạo sở, ngành phải đau đầu xử lý từng trường hợp, trong khi lẽ ra người quản trị chỉ cần đưa ra các nguyên tắc chung để tạo ra khung quy định, từ đó người quản lý bên dưới thực thi theo. Chính vì thiếu công cụ, thiếu phương tiện và cách làm chưa phân đúng vai, đặt đúng việc nên anh giám đốc sở không quản trị được công việc, phải giải quyết nhiều vấn đề thuộc phân tầng quản lý, cuốn vào guồng tác nghiệp.

Với Quy hoạch TP.HCM, rất nhiều việc vĩ mô, vô số việc vi mô nên phải khắc phục vai trò quản trị chiến lược để đảm bảo đúng người, đúng việc, đạt hiệu quả cao nhất. Đặt trong bối cảnh TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, chủ trương tinh gọn và nâng cao hiệu quả, hiệu năng của bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 là rất phù hợp. TP.HCM cần tinh gọn và sắp xếp lại bộ máy, phân định rõ nhân sự và nguồn lực nào phục vụ công tác quản trị với quản lý tác nghiệp. Việc này giúp cho việc quản trị và quản lý hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo mọi nỗ lực đều được tối ưu, đồng thời gắn kết các nỗ lực riêng lẻ thành một hệ thống đồng bộ, thống nhất. Chỉ khi vai trò quản trị chiến lược được củng cố, quy hoạch mới thực sự trở thành kim chỉ nam dẫn đường, biến khát vọng thành hiện thực.

Tăng cường chức năng phản hồi

Ở phân tầng quản lý tác nghiệp, quản lý công việc, cần tăng cường cơ chế phản hồi liên tục trong mọi tác vụ. Khi có thắc mắc, phản ánh, đề nghị phối hợp, xin ý kiến… thì phải có công cụ, phương tiện để trả lời kịp thời. Phản hồi liên tục là công cụ quan trọng để thu thập ý kiến từ thực tiễn, giúp điều chỉnh các phương án kịp thời, phù hợp với các yêu cầu thực tế.

Ví dụ, khi thí điểm các cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp thì phải có công cụ lắng nghe xã hội rồi trả lời, thảo luận. Khi áp dụng chính sách cũng phải như vậy, bởi thời gian trôi qua, mọi cơ chế, chính sách đều có thể phát sinh những tồn tại, bất cập. Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030 nhưng tầm nhìn đến năm 2050 là khoảng thời gian đủ dài để các quy chế, quy trình hay nguyên tắc có thể bị lạc hậu, không còn phù hợp hoặc giảm tính hiệu quả. Cơ chế phản hồi liên tục chính là quá trình điều chỉnh để các cơ chế, chính sách tối ưu, chứ không cực đoan.

Việc thực thi Quy hoạch TP.HCM chắc chắn sẽ cần đến những hệ thống phản hồi minh bạch, hiệu quả, tận dụng công nghệ số để tự động hóa và nâng cao chất lượng thông tin. Như lãnh đạo TP.HCM từ đầu năm 2024 đã nói: Năm 2025, đưa toàn bộ hoạt động hành chính của TP.HCM lên nền tảng số. TP cũng mới ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn năm 2025. Đây là những nỗ lực phát triển hệ thống phản hồi với người dân, doanh nghiệp, giữa các cơ quan hành chính, công vụ, giúp TP không chỉ cải thiện vận hành bộ máy mà còn thúc đẩy niềm tin và sự tham gia của các bên liên quan.•

(*) Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

GÓC NHÌN

Sau Quy hoạch TP.HCM sẽ là…

Trong một số diễn đàn khoa học hay cuộc tiếp xúc, đối thoại của doanh nghiệp, tôi vẫn thường nghe đâu đó có sự băn khoăn: Quá nhiều kế hoạch, đề án, cùng các đề xuất về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người, hạ tầng - đô thị… được báo chí đăng tải. Liệu chúng có tạo ra những chồng lấn, trùng lặp trong tương lai?

Từ sau đại dịch COVID-19, thế giới, Việt Nam và TP.HCM đều có những chuyển động rất mạnh mẽ. Từ những biến động về địa chính trị ở chiến trường Nga - Ukraine, Trung Đông đến cạnh tranh giữa các cường quốc kinh tế như Mỹ - Trung Quốc, Nga - phương Tây; rồi những tác động của làn sóng công nghệ mới, sự thăng hoa của các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… đã cùng lúc đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức với TP.HCM, một siêu đô thị được đánh giá là còn rất nhiều dư địa, tiềm lực để phát triển đột phá.

Chỉ trong vài năm, con người bắt đầu có thói quen, thậm chí tạo ra văn hóa làm việc, học tập trực tuyến; các doanh nghiệp đã tối ưu hóa được khối óc, sức nghĩ và cả lao động chân tay bằng trí tuệ nhân tạo, học máy; các nhân viên hành chính - dù bảo thủ nhất - cũng phải phục vụ công chúng trực tiếp lẫn trực tuyến nhờ các hệ thống thông tin mới; các giao dịch tiền tệ, hàng hóa được chuyển từ các phương tiện cơ học, cồng kềnh thành những thao tác quét mã vạch, nhận diện gương mặt, thậm chí là “một chạm”.

Những chuyển động mạnh mẽ ấy buộc TP.HCM phải nghiên cứu, ban hành các kế hoạch, đề án để hành động kịp thời. Từ các đề án, kế hoạch về phát triển hạ tầng, giao thông, đô thị đến chuyển đổi số, tài chính số, cải cách hành chính công vụ… Tuy nhiên, những đề án, kế hoạch này không rời rạc, mà thực tế là những mảnh ghép được liên kết chặt chẽ trong bức tranh tổng thể - Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Trung ương phê duyệt.

Nói cách khác, Quy hoạch TP.HCM làm chúng ta hình dung được một bức tranh hoàn hảo về tương lai của TP, được xây dựng với từng mảnh ghép về kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, hành chính, đầu tư, văn hóa, con người… Nếu nhìn được tổng thể bức tranh TP.HCM thông qua bản quy hoạch sẽ có thể cảm nhận tiềm năng to lớn mà TP có thể đạt được. Câu hỏi còn lại: Làm sao để ghép thành công bức tranh đặc sắc và đáng khát khao ấy?

Đó chính là quy hoạch lại con người đi kèm trách nhiệm phù hợp, xây dựng các cơ chế gỡ các “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Điển hình là TP.HCM hôm 31-12-2024 đã ban hành Chỉ thị 19 về việc tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Điều đáng chú ý nhất là lãnh đạo TP đã phân vai, phân việc rất cụ thể với các đầu nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp, có thể đo lường hiệu quả, giám sát trách nhiệm.

Từ việc xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế TP đạt hai con số, lên kế hoạch với mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp rõ ràng ở các sở, ngành cho năm 2025 đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm sóc đời sống của người dân… Hay như các nhiệm vụ: Sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017; giữ vững, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính; huy động nguồn lực, vốn phát triển TP; chuyển đổi số hệ thống thông tin, báo cáo…

Quy hoạch TP.HCM đã có, giờ là lúc TP tập trung quy hoạch lại con người, công việc để từng bước ghép thành bức tranh đẹp nhất trong lòng người dân, doanh nghiệp TP và cả nước. ĐỖ THIỆN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới