Chờ dài cổ
Thực tập sinh (TTS) đã phỏng vấn trúng tuyển để sang Nhật làm việc tại các công ty xuất khẩu lao động phản ánh: Mặc dù họ đã trúng tuyển từ cuối năm 2017, tuy nhiên thời gian chờ để xuất cảnh sang Nhật làm việc chậm hơn so dự kiến 2-3 tháng khiến nhiều TTS lo lắng, phân tâm.
Thậm chí một số TTS đã học xong chương trình tiếng Nhật được các công ty cho về quê chờ đến khi hoàn thành thủ tục cư trú tại Nhật mới liên hệ để hoàn tất các thủ tục tài chính, khám sức khỏe lần cuối để xuất cảnh.
TTS Nguyễn Hải H., quê Quảng Bình trúng tuyển ngành thực phẩm, băn khoăn: “Em đã học trọn khóa tiếng Nhật với 30 bài, do thời gian chờ kéo dài hơn hai tháng so dự kiến, em có hỏi thì công ty giải thích do có sự thay đổi cơ quan tiếp nhận làm hồ sơ và phía Nhật có điều chỉnh thụ tục quản lý TTS.
Em đã về quê đợi chờ hơn hai tháng vẫn chưa thấy công ty gọi vào làm thủ tục xuất cảnh. Khi phỏng vấn trúng tuyển em rất mừng, nhưng học kéo dài, rồi còn chờ thêm em rất lo lắng không biết khi nào mới được xuất cảnh sang Nhật. Còn học kéo dài sẽ tăng thêm nhiều chi phí ăn ở, học tập” - H. bày tỏ.
Lý giải về sự “chững lại” này, đại diện các công ty xuất khẩu lao động tại TP.HCM, cho biết những năm trước quy trình, hồ sơ, thủ tục sang Nhật rất nhanh, gọn. Theo đó, khi có hồ sơ của TTS gửi sang, các công ty sử dụng lao động và nghiệp đoàn chỉ mất khoảng 30-45 ngày là nhà chức trách Nhật cấp tư cách lưu trú.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2017 đến đầu tháng 8-2018, do có sự thay đổi về quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý hồ sơ từ phía Nhật chặt chẽ, chi tiết hơn nên khối lượng công việc dồn lại nhiều hơn. Từ đó, thời gian cấp tư cách lưu trú tại Nhật kéo dài khoảng ba tháng so dự kiến.
“Việc điều chỉnh thủ tục, thẫm tra hồ sơ chặt chẽ hơn từ phía Nhật theo hướng có lợi cho TTS các nước đến Nhật làm việc như quản lý tốt hơn TTS, chế độ bảo hiểm, tiền lương,... Điều đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ tiếp nhận TTS các nước, trong đó có Việt Nam”, lãnh đạo một công ty xuất khẩu tại TP.HCM chia sẻ.
Hồ sơ nhiều, quy trình xử lý chặt
Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng do phía Nhật tăng thời gian làm việc của TTS từ ba năm lên năm năm khiến nhu cầu tiếp nhận hẹp lại. Về ý kiến này, bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco), cho rằng: Hiện nhu cầu tuyển dụng từ các công ty Nhật vẫn rất cao và không hề bị ảnh hưởng nhiều do phía Nhật tăng thời gian làm việc lên năm năm.
Thực tế, thời gian gia hạn này phổ biến ở ngành cơ khí, xây dựng và đang tiếp tục mở rộng ra các ngành khác, trong khi nhu cầu tuyển dụng từ Nhật rất đa dạng.
“Việc tiếp nhận TTS Việt Nam từ đầu năm nay “chững lại” do hồ sơ quá nhiều, trong khi yêu cầu quản lý hồ sơ TTS chặt chẽ hơn khiến tiến độ xuất cảnh không còn nhanh như các năm trước (thời gian đào tạo từ 4-6 tháng là xuất cảnh)" - bà Cúc thông tin thêm.
Theo bà Cúc, ngoài các ngành nghề cơ khí, xây dựng, bán hàng, chế biến thực phẩm, nông nghiệp,... nhu cầu tiếp nhận TTS ngành điều dưỡng, hộ lý tại Nhật rất cao. Hiện có nhiều công ty trong nước đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý để đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng làm việc nhóm, văn hóa để đưa sang Nhật làm việc trong hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Thực tập sinh được chủ sử dụng lao động Nhật hướng dẫn quy trình thu hoạch và bảo quản hoa. Ảnh: P.ĐIỀN
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Trường Giang - Trưởng phòng Nhật Bản & Châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH), cho hay nhu cầu tuyển dụng chững lại mấy tháng đầu năm do tổ chức tiếp nhận (OTIT) Nhật Bản bị ùn hồ sơ do quy trình xử lý chặt hơn. Tuy nhiên, những tháng gần đây số hồ sơ sang Nhật đã tăng mạnh trở lại.
Ông Giang thông tin thêm, để giải quyết tình trạng “chững lại” này, vừa rồi đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã sang làm việc với các cơ chức năng Nhật để tìm phương án tháo gỡ. Theo đó, các nhà chức tranh đã hứa sẽ đẩy nhanh tốc độ xử lý hồ sơ của thực tập sinh Việt Nam để sớm xuất cảnh sang Nhật.
Với chỉ tiêu đưa 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng/năm, trong sáu tháng đầu năm 2018, cả nước đã có hơn 60.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 21.900 lao động nữ), đạt 55,1% kế hoạch năm 2018. Một số thị trường chính mà lao động Việt Nam đến làm việc: Đài Loan (30.882 người, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên 213.000 lao động, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng); Nhật Bản (hiện có 126.000 lao động), Hàn Quốc (38.000 lao động, với mức thu nhập khoảng 26 triệu đồng/tháng), Saudi Arabia (9.000 lao động, mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng). Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH |