Điều đáng nói từ nhiều năm nay đã có lúc Bộ Tài chính đề xuất nới rộng biên độ đối với xăng dầu có lúc lên tới 8.000 đồng/lít. Chúng tôi đã từng phân tích vì sao sắc thuế này lại tính bằng con số cụ thể là 4.000 hoặc 8.000 đồng thay vì phải tính theo “thuế suất” như các sắc thuế thông thường. Là đơn giản bởi vì nếu lấy con số 4.000 hoặc 8.000 đồng/lít xăng quy ra “thuế suất” thì thuế BVMT sẽ có lúc chiếm trên 40% trong giá bán xăng. Thật là một tỉ lệ cao… vô đối.
Mặc dù kể từ khi đề xuất nới biên thuế BVMT đến nay công luận đã lên tiếng mạnh mẽ về những tác động tiêu cực của đề xuất này đối với kinh tế-xã hội. Nhưng có vẻ như Bộ Tài chính vẫn “bỏ ngoài tai” những phản biện có căn cứ khoa học và thực tiễn.
Diễn biến mới nhất là Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án nghị quyết về biểu thuế BVMT. Trong đó có nội dung đề xuất Quốc hội cho tăng thuế BVMT đối với tất cả mặt hàng xăng dầu lên kịch khung.
Mức thuế BVMT áp cho xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch trần là 4.000 đồng/lít. Các mặt hàng khác thuộc nhóm xăng dầu cũng được đề nghị tăng lên kịch trần.
Đáng nói là lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là giá xăng ở Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Singapore, Trung Quốc, Philippines… Vẫn là bài ca cũ không chỉ đối với xăng mà cả với các mặt hàng thiết yếu khác như điện, nước… Có điều khi để ý đến giá xăng ở các thị trường nói trên, dường như Bộ Tài chính quên mất mức thu nhập GDP của các quốc gia này cao hơn GDP của Việt Nam thế nào.
Trớ trêu thay những quốc gia khác như Mỹ, các nước châu Âu thì chẳng thấy Bộ Tài chính đưa vào. Chắc hẳn bởi vì chẳng những giá xăng ở Mỹ thấp hơn ở Việt Nam trong khi thu nhập của người dân Mỹ thì cao ngất ngưởng. Trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ hơn 2.300 USD/năm mà suốt ngày bị các sắc thuế nhăm nhe rút, hút.
Mới đây, khi thông báo tình hình thu chi ngân sách bốn tháng đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã nói rõ: Thu được 410.000 tỉ đồng thì chi thường xuyên lên tới hơn 365.000 tỉ đồng. Vậy là cứ thu được ba đồng thì hai đồng chi cho bộ máy.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã từng đưa ra một tính toán: Chỉ cần cả hệ thống tiết kiệm 1% thì mỗi năm đã tiết kiệm được 10.000 tỉ đồng. Con số dự thu 14.368 tỉ đồng kia thấm vào đâu nếu như cả hệ thống tiết kiệm thêm 0,5% nữa!
Mỗi đề xuất tăng thuế đều có thể xát muối không chỉ vào lòng dân mà còn vào cả nền kinh tế. Vì thế, Bộ Tài chính nói riêng và cả hệ thống nói chung cần cân nhắc thận trọng trong bối cảnh phát triển bền vững đang là yêu cầu thiết yếu.
“Thu thuế phải thu được lòng dân”. Lời này của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói từ năm 2016 xem ra cần nhắc lại cho cả hệ thống.