Thuế thu nhập cá nhân: Bên nâng, bên hạ

Theo dự kiến chương trình, chiều nay (12-9), Ủy ban Thường vụ QH sẽ thảo luận về Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng. Đồng thời, mức giảm trừ cho người phụ thuộc được nâng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh mức giảm trừ cho phù hợp.

Sợ lãng phí phần mềm quản lý thuế?

Tuy nhiên, khi tiến hành thẩm tra, Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TC-NS) lại không đồng tình với các đề xuất trên. Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Đinh Văn Nhã cho biết ủy ban này đề nghị giảm mức khởi điểm chịu thuế từ 9 triệu đồng theo dự thảo xuống còn 7 triệu đồng và giảm mức giảm trừ cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng/tháng.

Giải thích về đề nghị này, một lãnh đạo Ủy ban TC-NS cho rằng quy định như dự thảo luật sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất thuế là “có thu nhập là phải chịu thuế dù ít hay nhiều”. Đồng thời, việc này sẽ khiến cho số người nộp thuế TNCN giảm từ mức 3,8 triệu người xuống chỉ còn khoảng 1 triệu người. Như thế sẽ khiến cho nguồn thu ngân sách giảm đi mỗi năm 14.000-15.000 tỉ đồng. Đặc biệt, vị lãnh đạo trên cũng tiết lộ rằng trong ba năm qua đã đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng phần mềm quản lý thuế. Nay nếu số lượng người nộp thuế giảm đi thì sẽ gây ra sự lãng phí lớn!

Thuế thu nhập cá nhân: Bên nâng, bên hạ ảnh 1

Đời sống người dân còn chật vật, Nhà nước không nên xem thuế TNCN là nguồn thu ngân sách. Ảnh: HTD

Vị lãnh đạo này cũng cho rằng mức giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/người/tháng như dự thảo đề xuất cao hơn nhiều mức lương cơ bản mà nhiều cán bộ, công chức đang hưởng. Hơn nữa, nếu thực hiện điều này thì sẽ giảm bớt đi ý nghĩa điều tiết nguồn thu trong xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo. Do đó, việc giảm trừ ở mức 2,8 triệu đồng là hợp lý.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này cũng minh định: “Đa số các thành viên trong Ủy ban khi thảo luận đều đề nghị giảm trừ gia cảnh cả cho con, bố mẹ và ông bà. Như thế là ba trường hợp chứ không phải hai như báo chí nêu”.

Coi chừng sửa xong rồi lạc hậu ngay

Theo đại biểu QH Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những lý lẽ mà Ủy ban TC-NS đưa ra như trên là không hợp lý. “Ủy ban TC-NS lo ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng thực tế, tính toán của Bộ Tài chính cho thấy chỉ giảm khoảng 5.000 tỉ đồng. Đây là số tiền không lớn và đã được Bộ Tài chính tính toán cân nhắc kỹ lưỡng. Do đó, chúng ta nên thực hiện theo phương án mà Chính phủ trình để giúp những người nộp thuế cải thiện cuộc sống vốn đang rất khó khăn” - ông Kiêm nói.

Ông Kiêm cũng cảnh báo nguy cơ về sự lạc hậu của luật nếu thực hiện theo đề xuất của Ủy ban TC-NS. Bởi theo ông Kiêm, Luật Thuế TNCN năm 2007 (có hiệu lực từ năm 2009) chỉ sau 2,5 năm thực hiện đã lạc hậu dẫn đến QH đã phải nhiều lần ra nghị quyết miễn, giảm thuế. “Tất cả điều này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, phải nhìn xa trông rộng, đừng để luật vừa ban hành đã phải sửa hoặc QH lại phải ban hành các nghị quyết khác để miễn, giảm thuế cho dân” - ông Kiêm nhấn mạnh.

70% và 10%

Theo tính toán của các chuyên gia, hiện nay có gần 4 triệu người nộp thuế TNCN, trong đó 70% đang nộp thuế ở bậc 1 (thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng) với số thuế nộp ngân sách chỉ chiếm khoảng 10% tổng thu từ thuế TNCN.

Đừng “đè” người nghèo ra thu thuế

Nếu sợ giảm nguồn thu ngân sách thì Nhà nước nên tìm những người thu nhập cao, rất cao mà chưa nộp đủ thuế, thu được của người này thì số thuế mới nhiều, đừng “đè” những người nghèo, bình dân ra để thu thuế.

Đời sống người dân còn chật vật, Nhà nước không nên xem thuế TNCN là nguồn thu ngân sách.

Cũng sẽ không hợp lý khi lấy lý do thu nhập của công chức còn thấp nên mức giảm trừ gia cảnh cũng phải thấp. Chuyện lương công chức thấp, không đủ sống là chuyện bất hợp lý đã nói từ rất nhiều năm. Nay lại dùng cái cớ bất hợp lý này để lôi mức giảm trừ theo thì lại càng bất hợp lý!

Luật sư TRẦN XOA,Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

QUỲNH NHƯghi

- 21-11-2007: QH thông qua Luật Thuế TNCN. Theo đó, thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng (không có người phụ thuộc) là phải nộp thuế. Giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng.

- 1-1-2009: Luật Thuế TNCN chính thức có hiệu lực.

- 6-2-2009: Bộ Tài chính ban hành Thông tư 27 về việc giãn thời hạn nộp thuế TNCN từ 1-1-2009 đến hết 31-5-2009.

- 19-6-2009: QH thông qua Nghị quyết 13, trong đó đồng ý miễn toàn bộ số thuế TNCN từ tháng 1-2009 đến hết tháng 6-2009 đã giãn cho các đối tượng.

- 6-8-2011: QH thông qua Nghị quyết 08 trong đó miễn thuế TNCN từ 1-8-2011 đến hết 31-12-2011 cho những cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng.

- 21-6-2012: QH thông qua Nghị quyết 29 trong đó miễn thuế TNCN từ 1-7-2012 đến hết 31-12-2012 cho những cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng.

- Tháng 3-2012: Bộ Tài chính đưa ra dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN với đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 lên 6 triệu đồng, giảm trừ cho người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên 2,4 triệu đồng, áp dụng từ 1-1-2014. Phương án này bị dư luận phản ứng dữ dội. Sau đó, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng, giảm trừ cho người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng/tháng, áp dụng từ 1-7-2013.

- Tháng 9-2012: Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Luật Thuế TNCN, Ủy ban TC-NS của QH đề nghị rút mức khởi điểm xuống còn 7 triệu đồng/tháng, giảm trừ cho người phụ thuộc còn 2,8 triệu đồng/tháng.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm