Thuế VAT tăng trở lại, người dân thêm nặng gánh

(PLO)- Nếu thuế VAT tăng trở lại vào thời điểm hiện nay sẽ khiến giá hàng hóa, dịch vụ vốn đã tăng lại càng tăng thêm, nhất là dịp cận tết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng loạt sản phẩm thiết yếu phục vụ cho tiêu dùng hằng ngày của người dân như mì gói, sữa, dầu ăn, nước mắm, gas... đã có thông báo điều chỉnh tăng giá. Nguyên nhân được các doanh nghiệp giải thích là do vài ngày nữa chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ hết hiệu lực, đồng nghĩa mức thuế sẽ từ 8% hiện nay tăng lên 10% nên buộc phải tăng giá hàng hóa.

Trước tình hình trên, người dân, doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng nếu dừng chính sách giảm thuế VAT từ ngày 31-12-2022. Ảnh: TÚ UYÊN
Giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng nếu dừng chính sách giảm thuế VAT từ ngày 31-12-2022.
Ảnh: TÚ UYÊN

Chị VÕ LAN ANH, nhà ở TP Thủ Đức:

Lương, thưởng không tăng mà hàng hóa rủ nhau tăng

Lương không tăng, thưởng tết nhiều khả năng giảm sâu. Trong khi đó giá nhiều dịch vụ, hàng hóa từ đồ ăn thức uống đến sữa, bánh kẹo… tăng cao. Sắp tới nếu thuế VAT tăng trở lại, tức giá hàng hóa lại thêm một lần tăng nữa.

Chị VÕ LAN ANH

Chị VÕ LAN ANH

Chỉ tính riêng mặt hàng sữa, hiện tại giá một thùng 24 hộp là 406.000 đồng. Trung bình một ngày ba hộp thì một tháng nhà tôi dùng năm thùng. Nếu tính thuế VAT ở mức 8% như hiện tại, thì giá năm thùng tăng thêm 162.000 đồng nhưng thuế tăng lên 10% thì giá sẽ là 203.000 đồng, như vậy chi phí sẽ đội lên rất nhiều.

Vì vậy, người tiêu dùng như tôi rất mong Nhà nước tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT cho người dân trong lúc đang gặp nhiều khó khăn.

Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG,Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DH Foods:

Thuế VAT tăng gây áp lực lớn lên doanh nghiệp, khách hàng

Trong 10 năm thành lập công ty, đây là năm đầu tiên mức tăng trưởng của công ty rất ít và chậm, thậm chí lỗ tới quý IV-2022. Chưa kể từ quý II-2022 tới nay giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, trong khi đó sức mua của người tiêu dùng lại giảm khiến công ty chịu áp lực trong việc điều chỉnh đầu ra sản phẩm. Có thể nói 2022 là một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn và tình hình này có thể kéo dài trong năm 2023.

Trong bối cảnh trên, nếu thuế VAT tăng trở lại vào thời điểm này sẽ khiến giá hàng hóa vốn dĩ đã tăng lại càng tăng thêm. Điều này gây sức ép rất lớn lên người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, mà vốn dĩ doanh nghiệp đang trong giai đoạn đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có trong sản xuất, kinh doanh.

Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG

Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG

Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục duy trì việc giảm 2% thuế VAT tới hết năm 2023. Việc giảm thuế VAT không chỉ giúp người tiêu dùng giảm gánh nặng chi tiêu, kìm được giá hàng hóa, mà còn vừa giúp doanh nghiệp sản xuất bán được hàng, kích thích tiêu dùng nội địa.

Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Tổng giám đốc Saigon Co.op:

Hụt hẫng nếu dừng chính sách giảm thuế

Khi chính sách giảm VAT 2% được áp dụng, chúng tôi phấn khởi dù trong quá trình thực hiện có một số khó khăn nhất định. Phản ứng chung của các nhà sản xuất, kinh doanh là trong các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế thì chính sách giảm thuế VAT 2% được đánh giá là phát huy hiệu quả cao, góp phần hỗ trợ, giải quyết trực tiếp các khó khăn của các đơn vị.

Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG
Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG

Do đó, sắp tới nếu chính sách giảm 2% thuế VAT dừng lại sẽ khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp hụt hẫng. Bởi hiện tại các doanh nghiệp chưa phục hồi thật sự, đang đối diện với nhiều áp lực, vì vậy họ đều mong muốn kéo dài chính sách này thêm một năm nữa.

Ông PHẠM VĂN VIỆT, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM:

Công cụ kiềm chế lạm phát hiệu quả

Số liệu thống kê cho thấy đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm kể từ tháng 7-2022 do lượng hàng tồn kho cao tại các nhà bán lẻ lớn. Ví dụ, châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30%-40%. Dự báo năm 2023, xuất khẩu dệt may đối mặt với rất nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sút giảm từ cuối năm 2022.

Trước những khó khăn chung, nếu thuế VAT tăng thì các doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng phần thuế này vào người tiêu dùng khi xuất hóa đơn. Khi sản phẩm chịu giá cao hơn dẫn đến người tiêu dùng cân nhắc cắt giảm chi tiêu, đặc biệt chi tiêu không thiết yếu. Điều này ảnh hưởng ngay đến các nhà sản xuất, kinh doanh.

Ông PHẠM VĂN VIỆT
Ông PHẠM VĂN VIỆT

Để đảm bảo không tăng giá sản phẩm trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cắt giảm các chi phí không cần thiết. Tuy nhiên, áp lực lãi suất tăng nhanh, thanh khoản hệ thống ngânhàng trở nên căng thẳng, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng sẽ làm doanh nghiệp đuối sức khi bắt đầu năm mới.

Thực tế đã chứng minh thời gian qua chính sách giảm VAT 2% đã tác động trực tiếp đến mặt bằng giá cả sản phẩm, giúp kìm được giá thành và kéo theo giá bán hàng hóa không tăng phi mã. Đồng thời, giảm thuế VAT là công cụ kiềm chế lạm phát hiệu quả.

Mặt khác, chính sách giảm thuế VAT 2% đang mang tới hiệu ứng tích cực là tăng thu cho ngân sách nhà nước. Bằng chứng là thu ngân sách của Việt Nam trong năm 2022 đạt và vượt chỉ tiêu.

Điều này cho thấy việc giảm thuế VAT trước mắt sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhưng lại giúp kích thích hoạt động sản xuất, tiêu dùng, người dân có thể đóng thuế nhiều hơn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT.

Có bốn lý do nên tiếp tục giảm 2% thuế VAT

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng Nhà nước nên tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2023 vì nhiều lý do.

Thứ nhất, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp, bởi hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Thứ 2, mặc dù sức mua đã phục hồi nhưng vẫn chưa chắc chắn và thấp hơn năm 2019; chưa kể những tác động về suy thoái và lạm phát trên toàn cầu ít nhiều đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng và doanh nghiệp. Do đó việc giảm thuế sẽ tác động nhiều tới ý chí mua hàng của người tiêu dùng.

TS Vũ Đình Ánh
TS Vũ Đình Ánh

Thứ 3, năm 2023 vẫn có nhiều vấn đề liên quan đến áp lực lạm phát, cao hơn năm 2022. Do đó việc tiếp tục duy trì giảm 2% VAT sẽ giảm áp lực lạm phát.

Thứ 4, chính sách tiền tệ năm 2023 có khả năng bị thắt chặt, do đó vấn đề nơi lỏng chính sách tài khóa, trong đó có việc miễn, giảm thuế rất quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Với các lý do nêu trên, tôi cho rằng việc tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết trong thời điểm này” - TS Ánh nhấn mạnh.

Mì gói, dầu ăn, nước mắm… rủ nhau tăng

Nhận thông báo tăng giá bán từ hãng sữa TH True Milk, chị Lê Toan, chủ cửa hàng tạp hóa tại Gò Vấp, TP.HCM, cho biết từ ngày 1-1-2023 giá sữa sẽ tăng do thuế VAT từ mức 8% hiện nay trở lại mức 10% và áp dụng cho tất cả sản phẩm sữa của hãng. Không chỉ sữa mà hầu hết sản phẩm thiết yếu như mì gói, dầu ăn, nước mắm… đều đã có thông báo về điều chỉnh tăng giá.

“Có một số mặt hàng sẽ tăng giá vào tết Dương lịch, trong khi cũng có một số mặt hàng đã tăng từ đầu tháng 12-2022 như bánh kẹo, mứt tết…, tăng 5% so với trước đó; một số loại nước giải khát, sản phẩm nước yến cũng tăng hơn 5% tùy sản phẩm” - chị Toan nói.

Nhiều đại lý khác cũng cho biết rất nhiều nhà cung cấp đã thông báo tăng giá hàng hóa do thuế VAT sắp tăng. Ví dụ dầu ăn vốn đã tăng giá trong năm thì nay đã có giá mới sau ngày 1-1-2023, như giá nhập Simply loại 1 lít tăng từ 58.500 đồng/lít lên 60.000 đồng/lít; dầu gạo Simply tăng từ 64.000 đồng/lít lên 66.000 đồng lít...

Không để tăng giá, thiếu hàng dịp tết

Ngày 28-12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu các cơ quan quản lý không để xảy ra tình trạng tết thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hay tăng giá đột biến. Ông cũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp để khắc phục những chuệch choạc trong phối hợp điều hành vừa qua, nhất là khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát các sắc thuế sắp hết hiệu lực để tham mưu giải pháp phù hợp cho cấp có thẩm quyền quyết định sớm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm