Trung Quốc mở cửa biên giới, cơ hội cho nông sản Việt

(PLO)- Ngành lương thực thực phẩm đóng góp vào sự phát triển của bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM nhưng vẫn khó khăn do một số quy định vẫn chưa được  sửa đổi
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-12, Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và kế hoạch hành động năm 2023.

Theo Hội LTTP, năm 2023 bên cạnh những thách thức như các rủi ro về tài chính, tiền tệ, tỷ giá; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp…vẫn có một số cơ hội là lạm phát toàn cầu đang dịu dần.

Trung Quốc mở biên trở lại cùng với việc tăng cường hợp tác, nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 là cơ hội lớn cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic tạo điều kiện để hàng nông sản, LTTP Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Bên cạnh đó, năm 2023 Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên phát triển vào ba lĩnh vực chính là sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước trong đó vẫn lấy nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ, thúc đẩy tăng cường chế biến sâu, bền vững.

Cũng tại hội nghị, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội LTTP cho biết, dù dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn và giá xăng, giá nguyên phụ liệu tăng cao nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) thành viên vẫn tiếp tục giữ giá bình ổn theo chủ trương của Thành phố. Bên cạnh đó, các DN còn duy trì đảm bảo việc làm, các chính sách chăm lo đời sống cho người lao động...

Tuy nhiên, theo Hội LTTP hiện nay vẫn còn tình trạng một số quy định đang được DN thực thi nhưng còn gây nhiều khó khăn dù đã nhiều lần kiến nghị đến các bộ ngành trung ương nhưng vẫn chưa được xem xét sửa đổi.

Hội LTTP tiếp tục kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 09 quy định về sử dụng bột mỳ trong chế biến thực phẩm và các quy định liên quan đến ngành thực phẩm theo hướng tháo gỡ khó khăn triệt để cho DN.

Song song đó, cộng đồng DN rất mong Thành phố chỉ đạo các sở ngành tăng cường phối hợp với các hiệp hội thông qua tổ chức các chương trình đối thoại…để sớm có tiếng nói góp ý, kiến nghị kịp thời từ phía Thành phố đến các cấp trung ương hỗ trợ, tháo gỡ cho DN.

Chế biến thực phẩm là ngành có quy mô lớn nhất trong các ngành chế biến chế tạo trên địa bàn TP. ẢNH: TÚ UYÊN

Chế biến thực phẩm là ngành có quy mô lớn nhất trong các ngành chế biến chế tạo trên địa bàn TP. ẢNH: TÚ UYÊN

Bên cạnh đó, Hội LTTP đề xuất Thành phố cho cơ chế chính sách hỗ trợ riêng gắn với sự phối hợp, tham mưu của Sở Công Thương để thực hiện hai đề án Phát triển kho lạnh và Xây dựng vùng nguyên liệu. Đây được xem là những đề án quan trọng trong chương trình phát triển ngành chế biến thực thẩm TP.HCM giai đoạn 2021-2030.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, chế biến thực phẩm là ngành có quy mô lớn nhất trong các ngành chế biến chế tạo trên địa bàn TP. Năm 2022 khi dịch bệnh kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thúc đẩy sự hồi phục mạnh mẽ ngành sản xuất đồ uống và thực phẩm.

Kết quả ngành chế biến thực phẩm tăng trưởng nhanh chóng với 3,52%, tăng cao thứ hai trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu.

“Với những đề xuất kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN, Sở Công Thương sẽ báo cáo UBND TP.HCM để có những tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, hai đề án lớn là Phát triển kho lạnh và Xây dựng vùng nguyên liệu, Sở phối hợp cùng Hội LTTP thực hiện nội dung này. Với việc đóng góp, đưa ra nhiều giải pháp hy vọng chúng ta sẽ thực hiện thành công”-bà Ngọc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm