TP.HCM: Doanh nghiệp thực phẩm khó tìm quỹ đất để phát triển kho lạnh

(PLO)- Làm kho lạnh đòi hỏi cần diện tích tương đối lớn, vì vậy nhiều doanh nghiệp thực phẩm ở TP.HCM đã gặp khó trong việc tìm được quỹ đất phù hợp
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Hội lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), trong sáu tháng đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp (DN) ngành lương thực thực phẩm (LTTP) trở lại sản xuất ổn định.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành LTTP và đồ uống đã lấy lại đà tăng trưởng khi tăng 7% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành sản xuất đồ uống đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ khi tăng 8% và LTTP tăng 6,4%.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA, cho biết mặc dù dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, giá xăng, giá nguyên phụ liệu tăng cao, nhưng hầu hết các DN thành viên vẫn tiếp tục giữ nguyên giá cả bình ổn theo chủ trương của thành phố.

Đồng thời, các DN thành viên đã tích cực phủ kín hàng hóa và giữ bình ổn thị trường xuyên suốt thời gian qua theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Công thương. Điều này đã tạo sự an tâm trong người tiêu dùng, góp phần kích thích sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Giá trứng bình ổn được điều chỉnh tăng nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường. ẢNH: TÚ UYÊN

Giá trứng bình ổn được điều chỉnh tăng nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường. ẢNH: TÚ UYÊN

Riêng nhóm hàng trứng gia cầm, các DN đã đề xuất và được thành phố cho phép tăng giá nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn so với giá ngoài bình ổn, kèm các chương trình ưu đãi kích cầu tiêu dùng xuyên suốt sáu tháng đầu năm 2022.

Với việc đảm bảo duy trì tốt hoạt động sản xuất, cung ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân và phục hồi nhanh với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành LTTP đóng góp quan trọng vào sự phát triển của bốn ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và ngành công nghiệp thành phố nói chung.

Tuy nhiên, bà Chi cho rằng dù tình hình hoạt động của DN đã được cải thiện nhưng những hỗ trợ kịp thời từ thành phố vẫn vô cùng quan trọng.

Do đó, để phấn đấu đạt được các mục tiêu thành phố đề ra trong năm 2022 cũng như hỗ trợ tối đa DN phục hồi sau dịch, Hội kiến nghị TP chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất khẩu. Từ đó kịp thời hướng dẫn DN xuất khẩu thực thi những quy định mới để DN tăng khả năng ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả các đề án, dự án trong chương trình “Phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm Thành phố giai đoạn 2020-2030”, Hội kiến nghị TP đặc biệt quan tâm hỗ trợ, đồng thời đề nghị Sở Công thương tiếp tục phối hợp tìm kiếm quỹ đất trong thành phố phù hợp để mau chóng triển khai đề án phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản.

Theo bà Chi, đối với đề án phát triển kho lạnh kho dự trữ bảo quản, Hội đã tổ chức đoàn gồm đại diện Sở Công thương, Công ty đầu tư Tài chính Thành phố cùng tham gia khảo sát địa điểm dự kiến đặt kho tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức và nhiều địa điểm khác nhưng vẫn rất khó khăn khi tìm kiếm quỹ đất phù hợp.

“Làm kho lạnh đòi hỏi diện tích tương đối lớn (khoảng 5ha) và chi phí đầu tư cũng tương đối lớn. Chúng tôi đã tìm được đơn vị chuyên môn và tài chính nhưng vấn đề chính hiện nay vẫn là chưa tìm được quỹ đất phù hợp" - bà Chi nhấn mạnh.

Kết nối tỉnh Đắk Lắk hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất ổn định.

Hội LTTP cùng với Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp TP (CSED) đã làm việc với tỉnh Đắk Lắk về hợp tác tổ chức xúc tiến thương mại, liên kết vùng nguyên liệu.

Nơi đây đã hình thành và đi vào vận hành một số kho lạnh có diện tích lớn, hạ tầng cơ bản, thuận lợi lưu trữ phục vụ sơ chế, đóng gói, vận chuyển, sản xuất những mặt hàng chủ lực về xuất khẩu, tiêu dùng nội địa có giá trị dinh dưỡng cao.

Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp như Madrak, CưKuin, EaHleo… nằm trong các vùng nguyên liệu chính đang được địa phương kêu gọi đầu tư. Do đó, khi tổ chức kết nối thành công, nơi đây sẽ hình thành vùng trồng mẫu lớn, gia tăng giá trị nông sản, góp phần rất lớn trong việc đáp ứng chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất ổn định cho TP.HCM trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm