Thử hỏi bao nhiêu bệnh nhân đáng lý đã không bại liệt nửa người oan uổng vì tai biến mạch máu não do tự ý ngưng thuốc, do uống thuốc hạ huyết áp không đúng cách?
Trên thực tế không ít bệnh nhân, cho dù đã được định bệnh rõ ràng, mặc dầu đã được giải thích tường tận vẫn ngại uống thuốc hay tuy có dùng thuốc nhưng cứ như uống thuốc cảm, nghĩa là khi nào thấy đau đầu, đỏ bừng mặt, chóng mặt, khi nào tình cờ phát hiện huyết áp tăng vọt mới chịu lục tủ tìm thuốc!
Lẽ nào chưa bệnh cũng uống thuốc?
Chuyện “đúng thầy, đúng thuốc” tuy đã rõ hơn ban ngày nhưng với người chưa hẳn bị bệnh mà chỉ thuộc nhóm có nguy cơ cao thì làm sao đây? Nên giải quyết thế nào với người có huyết áp chưa hẳn là trị số bệnh lý nhưng mấp mé ở ngưỡng cần uống thuốc? Họ tất nhiên một mặt cần được theo dõi huyết áp định kỳ để tránh cảnh cả trò lẫn thầy trở tay không kịp. Xứ mình ưa nói chuyện trên trời! Phải chi các cơ sở y tế của Nhà nước có nơi tập huấn cho người bệnh và cả người chưa bệnh biết cách sử dụng máy đo để tự theo dõi huyết áp. Nhưng mặt khác, không lẽ người chưa hẳn bệnh cũng phải uống thuốc hạ áp chỉ vì không có thuốc phòng ngừa cao huyết áp? Kẹt không ở chỗ uống hay không. Éo le chính ở chỗ hễ dùng rồi không được bỏ thuốc!
Đừng quên bệnh huyết áp cao rất dễ kết bạn với tiểu đường và chất mỡ trong máu. Cho nên hãy giảm cân cho bằng được nếu lỡ béo phì.
Ngừa bệnh mà không cần dùng thuốc mới hay
Chuyện gì cũng có giải pháp nào đó. Người có huyết áp thuộc loại dễ tăng khó giảm, nhất là khi có thân nhân trực hệ đã là nạn nhân của bệnh huyết áp cao, nên mạnh dạn áp dụng một số biện pháp tương đối đơn giản, lại thêm an toàn vì không đi ngược với quy luật của thiên nhiên như:
1. Giảm cân cho bằng được nếu lỡ béo phì. Đừng quên bệnh huyết áp cao rất dễ kết bạn với tiểu đường và chất mỡ trong máu. Thêm vào đó, để một công đôi ba việc, nhiều nhà nghiên cứu đã từ lâu khuyên người có huyết áp khoảng 130/80, nghĩa là còn một chút thì thành bệnh, nên mỗi tuần tối thiểu hai lần ăn cá biển, loại nào cũng được và mỗi ngày ăn rau quả tối thiểu ba lần, loại nào cũng tốt, được năm lần càng hay để huyết áp, đường huyết và chất mỡ trong máu không có dịp hội ngộ để sau đó cùng nhau hại gia chủ!
2. Tránh ăn mặn bằng cách nêm nếm bằng hành, ngò, tỏi... thay vì chỉ bằng muối ăn. Tập thói quen không rắc thêm muối khi ngồi vào bàn ăn dù chưa nếm. Giảm không đồng nghĩa với kiêng cữ tuyệt đối. Nhưng không thể gọi là giảm khi thực khách ngày nào cũng thêm mắm dặm muối lại thêm uống nước không đủ, uống bia thì thừa!
3. Đừng ngồi yên suốt ngày. Nếu không có dịp vận động vì công việc đóng đinh sau bàn giấy cũng nên tìm một hình thức thể dục thể thao nào đó để tập dượt cho trái tim. Nhẹ nhàng thôi như đi bộ, đạp xe, bơi lội, bóng bàn, khiêu vũ, thể dục dưỡng sinh... sao cũng được miễn là đều đặn, miễn là tập xong đừng mệt, miễn là ngày nào thiếu tập thấy... buồn!
4. Dứt khoát nói không với thuốc lá. Nếu không đủ nghị lực để một mình chống chọi với khói thuốc thì nên nhờ thầy thuốc tiếp tay qua liệu pháp cai thuốc với châm cứu, tâm lý liệu pháp, chế độ dinh dưỡng... Không thiếu cách chữa, khó chính vì thiếu quyết tâm, chính vì nạn nhân cương quyết đóng trọn vai… thủ phạm!
5. Không từ chối rượu bia nhưng trong tiết độ. Đừng quên chỉ cần hai chai bia mỗi ngày đã đủ để huyết áp tăng 5-10 mmHg. Nên nhớ huyết áp tăng chút xíu thừa sức để nhồi máu cơ tim, xuất huyết não! Tuy là tim có khả năng bù trừ rất tốt nhưng nếu huyết áp ngày nào cũng cứ thế tăng dần thì sớm muộn cũng đến lúc tim đành chịu thua. Nói chi bia, khỏi nói thêm cũng hiểu rượu mạnh tai hại đến mức nào.
6. Giảm stress trong công việc bằng cách tái lập quân bình giữa nghỉ ngơi và làm việc. Cần can đảm tắt máy ít ngày nếu ghi nhận động cơ đã mỏi mệt. Đừng đánh lừa chính mình bằng ảo giác “nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ” hay “sức mấy mà bệnh”. Với bệnh tim chỉ cần một lần lãnh đòn đánh lén đã đủ để đo ván thiên thu!
7. Tránh tiếng động thái quá. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh hơn 30% trường hợp nhồi máu cơ tim không do chất mỡ trong máu mà do thần kinh thính giác chịu đời không thấu. Với bối cảnh đào đường suốt ngày, nơi thì đặt móng xây nhà giữa đêm khuya, lại thêm nhiều bác tài lái xe theo kiểu “không bấm đến cháy còi chưa là quân tử”, không lạ gì nếu bệnh viện tim tiếp tục quá tải! Thầy nào chữa cho nổi khi chính thầy cũng bệnh vì tiếng ồn ngay trong… bệnh viện?!
Không mày đố thầy làm nên!
Đói ăn rau, đau uống thuốc. Không riêng gì bệnh cao huyết áp, dùng thuốc đặc hiệu bao giờ cũng là chuyện chẳng đặng đừng khi không còn giải pháp nào khác. Khéo hơn nhiều là làm sao giữ được huyết áp trong vòng kiểm soát mà không phải lệ thuộc vào thuốc. Không đơn giản nhưng hoàn toàn khả thi nếu không chỉ thầy thuốc mà ngay cả bệnh nhân cũng đồng lòng muốn thế. Kẹt là ở nước mình hai tiếng đồng lòng thường đồng nghĩa với mất lòng!