Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines: Tầm nhìn chung đột phá

(PLO)- Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines thảo luận loạt vấn đề nóng về quan hệ ba bên cũng như khu vực và toàn cầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-4 (giờ Mỹ, tức ngày 12-4 giờ VN) tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. họp thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Washington với hai đồng minh quan trọng ở châu Á.

Khung hợp tác ba bên

Trong tuyên bố Tầm nhìn chung của lãnh đạo Mỹ, Nhật và Philippines công bố sau cuộc họp thượng đỉnh, ba nước đã thảo luận nhiều vấn đề, theo tờ Japan Times.

Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines: Bước đột phá mới
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: X

Trước hết, về kinh tế, ba nhà lãnh đạo quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, lâu dài và khả năng phục hồi của ba nước và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ, Nhật cũng dành những cam kết đối với Philippines trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng, mở rộng đầu tư, các công nghệ quan trọng và mới nổi,... Một trong những dự án chính là hỗ trợ phát triển hành lang kinh tế trên đảo Luzon của Philippines.

“Chúng tôi đang theo đuổi các dự án kinh tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung của chúng tôi: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và trên diện rộng cũng như đầu tư vào chuỗi cung ứng linh hoạt, đáng tin cậy và đa dạng” - theo tuyên bố chung.

“Chúng tôi khẳng định sự ủng hộ vững chắc của chúng tôi đối với vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - trích tuyên bố Tầm nhìn chung của lãnh đạo Mỹ, Nhật và Philippines.

Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự quan ngại và phản đối mạnh mẽ việc cưỡng ép kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự kinh tế dựa trên luật lệ.

Về an ninh, Tổng thống Biden tái khẳng định các cam kết liên minh vững chắc của Mỹ với cả Nhật và Philippines cũng như cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không. Ba nhà lãnh đạo “hoan nghênh sự hợp tác gần đây giữa ba quốc gia nhằm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác sâu sắc hơn".

Ngoài ra, ba nước cam kết tăng cường phối hợp sâu rộng để nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải và tăng cường hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Các sáng kiến lớn được nhất trí gồm hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Philippines và kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận chung trên biển của ba nước xung quanh Nhật vào năm 2025.

Trong tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ba nước cũng phản đối “việc sử dụng tàu cảnh sát biển và tàu dân quân biển một cách nguy hiểm và cưỡng ép ở Biển Đông, cũng như những nỗ lực gây rối đối với việc khai thác tài nguyên ngoài khơi” của các quốc gia trong khu vực.

Tuyên bố chung còn khẳng định “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu".

Đối với vấn đề Triều Tiên, ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Philippines “lên án mạnh mẽ” số lần phóng tên lửa đạn đạo chưa từng có của Triều Tiên, bao gồm nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tác động đến khu vực

Hôm 8-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã đưa ra bình luận trước hội nghị thượng đỉnh giữa ba nước, nhấn mạnh rằng hợp tác quốc phòng giữa bất kỳ quốc gia nào cũng phải có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.

“Chúng tôi phản đối việc tập hợp các nhóm độc quyền và khơi dậy sự đối đầu giữa các khối trong khu vực” - bà Mao cảnh báo.

Mỹ-Nhật-Philippines.jpeg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ông Brian Harding, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng qua hội nghị thượng đỉnh trên, ba nước muốn “thể chế hóa sự hợp tác nhanh nhất có thể”, trong đó an ninh hàng hải là điểm khởi đầu, theo Japan Times.

Còn chuyên gia Nate Fischler, nhà phân tích châu Á-Thái Bình Dương tại công ty tình báo rủi ro RANE (Mỹ), mô tả cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Philippines cho thấy “chủ nghĩa đa phương đạt đến tầm cao mới trong khu vực". Theo chuyên gia này, cuộc gặp ba bên nhằm quản lý các thách thức chung, bao gồm tự do hàng hải, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như tăng cường khả năng tương tác.

Mặt khác, giới quan sát lo ngại rằng hợp tác an ninh chặt chẽ hơn giữa Mỹ-Nhật -Philippines có thể tạo ra làn gió ngược, làm gia tăng thêm căng thẳng địa chính trị trong khu vực. Theo ông Richard Javad Heydarian, GS địa chính trị tại ĐH Bách khoa Philippines, những diễn biến từ Washington và các đồng minh có thể khiến Trung Quốc cảm thấy đang bị “bao vây chiến lược” và Bắc Kinh sẽ không ngồi yên.

“Liên minh mới nổi giữa Nhật, Philippines và Mỹ có thể chỉ củng cố một trò chơi có tổng bằng không trong địa chính trị châu Á” - tờ South China Morning Post dẫn nhận định của ông Heydarian.

Đồng quan điểm, chuyên gia James Park tại viện nghiên cứu Quincy (Mỹ) cho rằng nếu Washington và các đồng minh tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông và gần Đài Loan, Bắc Kinh có thể coi đây là một mối đe dọa.

Trong khi đó, theo TS Mike Mochizuki của ĐH George Washington (Mỹ), hội nghị thượng đỉnh ba bên tập trung quá nhiều vào răn đe quân sự thay vì ngoại giao, do đó có nguy cơ gửi tín hiệu quá mức tới các đối thủ tiềm tàng khác của Mỹ trong khu vực.

“Kết quả cuối cùng sẽ không phải là một nền hòa bình ổn định mà là sự chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa một bên là mạng lưới đồng minh của Mỹ và một bên là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga” - theo ông Mochizuki.

Trung Quốc, Nhật có động thái mới gần quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông

Ngày 12-4, Hải cảnh Trung Quốc cho biết đã tuần tra ở vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông, theo thông cáo đăng trên trang web của Hải cảnh Trung Quốc.

Đáp lại, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật nói rằng các tàu tuần tra của Nhật đã yêu cầu 4 tàu hải cảnh Trung Quốc rời khỏi “vùng lãnh hải của Nhật”, theo hãng tin Reuters.

Đây là lần thứ 10 tàu Trung Quốc thực hiện cuộc tuần tra như vậy trong năm nay, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật cho biết thêm.

Quần đảo này hiện do Nhật kiểm soát, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực. Hai bên thường xuyên xảy ra đối đầu trên biển, triển khai tàu tuần tra và yêu cầu bên kia rời khỏi khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm