Đủ chiêu trốn thuế, bán hàng dỏm trên mạng - Bài cuối

Thưởng người lấy hóa đơn, hết đường trốn thuế

Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư 40/2021 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Điểm đáng chú ý tại thông tư này là sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (CNKD) thông qua sàn. Đây được xem là một trong những giải pháp chống thất thu thuế kinh doanh trên mạng.

Siết thu thuế kinh doanh qua mạng

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, khẳng định quy định các sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các CNKD thông qua sàn sẽ tạo điều kiện để các CNKD tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế.

Giải pháp này cũng giúp tối ưu hóa công tác quản lý thuế đối với hộ, CNKD bao gồm cả trên mạng thông qua việc tăng cường trách nhiệm của tổ chức, DN; tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế công khai, minh bạch, bình đẳng.

Hiện nay một số sàn TMĐT đã buộc người bán đăng ký kinh doanh đầy đủ thông tin, qua đó giúp thu thuế và giảm thiểu tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại một sàn thương mại điện tử. Ảnh: TH 

Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin. Trên cơ sở đó, hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế sẽ hỗ trợ tra cứu thông tin tổng hợp doanh thu kinh doanh để cá nhân có thể tự thực hiện việc khai thuế, nộp thuế kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định.

“Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, người bán phải cung cấp đầy đủ thông tin cho sàn giao dịch TMĐT bao gồm thông tin về hàng hóa, dịch vụ, giá cả, điều kiện giao dịch chung, về vận chuyển và giao nhận, các phương thức thanh toán...” - bà Lan Anh cho biết.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng thông tin cơ quan này đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để quản lý hiệu quả hơn hoạt động TMĐT, kinh doanh qua mạng. Qua đó chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, tạo nguồn tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Cơ quan này cũng đã phối hợp với ngân hàng thương mại rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube… để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế. Đồng thời ngành thuế đang rà soát các DN có loại hình kinh doanh TMĐT có rủi ro cao về thuế để có giải pháp phù hợp, tránh thất thu thuế. Đặc biệt, từ tháng 7-2022 sẽ áp dụng hóa đơn điện tử nhằm góp phần chống thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Lấy hóa đơn có thưởng

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng áp dụng các giải pháp trên là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng trốn thuế cũng như bán hàng dỏm trên môi trường mạng. Vì vậy cần có chính sách khuyến khích để người tiêu dùng thấy có lợi và hình thành thói quen lấy hóa đơn thì sẽ dẹp được tình trạng trốn thuế, kiểm soát được nạn hàng giả, hàng lậu không chỉ trên chợ online mà tất cả ngành nghề kinh doanh.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích người dân lấy hóa đơn mua hàng, vì khi người tiêu dùng lấy hóa đơn thì người bán hàng hay kinh doanh dịch vụ đều phải xuất hóa đơn. Từ đó, cơ quan thuế quản lý được doanh thu của các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng, ngăn chặn được tình trạng không xuất hóa đơn để trốn thuế như hiện nay. Ví dụ như cần có chính sách quy định người tiêu dùng khi có hóa đơn mua hàng, sử dụng dịch vụ từ 2 triệu đồng trở lên sẽ nhận được một phiếu đổ xăng tương ứng 1 lít xăng.

Khi người tiêu dùng thấy lấy hóa đơn có lợi ích, đổi được phiếu đổ xăng, mặt hàng thiết yếu thì họ sẽ yêu cầu xuất hóa đơn khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ. Khi đó buộc người kinh doanh phải xuất hóa đơn và xuất hóa đơn cái nào sẽ nộp thuế cái đó. Đặc biệt, những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu khủng sẽ lộ ra khi cơ quan thuế nắm được doanh thu từ hóa đơn. Cách làm này cũng tạo được thị trường công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

“Nhà nước bỏ con tép, bắt con tôm. Cụ thể, khi tạo được thói quen lấy hóa đơn cho người tiêu dùng thì nguồn thuế giá trị gia tăng 10% lộ ra, ngân sách thu được 10% trong khi chỉ cần chi thưởng khoảng 1% cho người tiêu dùng lấy hóa đơn” - ông Xoa tính toán.•

Cơ quan chức năng có chính sách buộc người bán đăng ký kinh doanh hộ gia đình để có thể quản lý thuế đối với kinh doanh trực tuyến. Thực tế hiện một số sàn TMĐT đã buộc người bán đăng ký kinh doanh hộ gia đình để duyệt hồ sơ như Tiki, Lazada, Sendo. Việc đăng ký này không chỉ giúp các đơn vị thu thuế dễ dàng quản lý thông tin mà còn tăng độ uy tín đối với sản phẩm trên sàn TMĐT.

Đối với người bán hàng cá nhân khi lập fanpage, website hoặc mạng xã hội để kinh doanh cần kê khai rõ địa chỉ, thông tin... từ đó dễ dàng hơn cho việc truy thu thuế cũng như kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng lậu.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huygiảng viên ngành thương mại điện tử
Trường CĐ FPT Polytechnic

Cần nhiều giải pháp để khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên không dùng tiền mặt, chuyển khoản để cơ quan thuế có thể truy vết được doanh thu của các cá nhân, tổ chức kinh doanh. Cơ quan thuế, cơ quan quản lý khi áp dụng bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1-7-2022 thì có thể có thêm chính sách người dân lấy hóa đơn sẽ được giảm trừ 20%-30% trên tổng giá trị hóa đơn khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, cần có chế tài mạnh hơn nữa đối với những đối tượng bán hàng giả, hàng lậu trên online. Khi xử lý nghiêm, phạt thật nặng thì mới đủ sức răn đe.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnhchuyên gia kinh tế

Không ít cá nhân, đơn vị trốn doanh thu để né thuế

Cục Thuế TP.HCM cho biết qua quản lý thu thuế và thanh tra, kiểm tra, cơ quan này nhận thấy các sai phạm của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn TMĐT, website bán hàng hay các trang mạng xã hội có dấu hiệu trốn doanh thu; không thực hiện khai báo doanh thu kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa.

Đơn cử như các tổ chức, CNKD TMĐT kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa thực hiện thanh toán qua ngân hàng nhưng với những tài khoản mở tại các ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế. Toàn bộ khoản doanh thu bán hàng này không thực hiện kê khai nộp thuế. Ngoài ra, có không ít trường hợp cho rằng cơ quan thuế không phát hiện được khoản doanh thu này nên không thực hiện kê khai nộp thuế.

Vì vậy, Cục Thuế TP.HCM đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT biết và tự rà soát, điều chỉnh, tự giác thực hiện kê khai nộp thuế. Đối với cá nhân chưa thực hiện kê khai nộp thuế thì đề nghị liên hệ các chi cục thuế địa phương nơi thường trú để được hướng dẫn thực hiện kê khai nộp thuế nhằm tránh các hành vi vi phạm hành chính về thuế.

Song song với giải pháp trên, cơ quan này đã tiến hành các biện pháp thanh tra, kiểm tra để phát hiện các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn TMĐT, các website bán hàng, các trang mạng xã hội nước ngoài có phát sinh trốn doanh thu hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định.

Ví dụ như đối với tổ chức, CNKD bán sản phẩm, hàng hóa không thực hiện thanh toán qua ngân hàng, thu tiền bán hàng bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc xác minh tại các đơn vị ký hợp đồng nhận chuyển giao hàng hóa có thu hộ tiền cho người bán. Thông qua giải pháp này, ngành thuế xác định số lượng hàng hóa bán, số tiền thu hộ… để xử lý truy thu thuế và xử phạt đối với doanh thu không thực hiện kê khai nộp thuế.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm