Thương nhân mua 100 tấn vải/ngày bán sang Trung Quốc

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết trong năm 2020, dự kiến sản lượng vải thiều của huyện cũng ngang bằng với năm 2019, vào khoảng 85.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn vải chín sớm.

Từ bốn ngày nay, đã có doanh nghiệp (DN) nước ngoài đặt hàng vải sớm để xuất khẩu sang Trung Quốc, bình quân mỗi ngày 100 tấn.

Ông Hoàng Văn Thanh (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) bên vườn vải thiều của gia đình. Ảnh: AN HIỀN


Cùng với đó, các siêu thị lớn trong nước như Big C, Hapro, Co.opmart... đã lên khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ với các chủ vườn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

"Hiện việc xuất khẩu không gặp trở ngại gì vì Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã đàm phán với phía Trung Quốc thông quan thêm giờ. Trong mùa dịch, trước đó chỉ thông quan 5 giờ, nay đã nâng lên 9 giờ. Một ngày có thể xuất khẩu 1.000 xe container hoa quả" - ông Nam cho biết.

Ông Đinh Văn Tỵ, chủ đại lý mua bán nông sản Tỵ Hoàn ở Lục Ngạn, cũng thông tin đang thu mua vải chín sớm của người dân để xuất sang Trung Quốc. Bình quân mỗi ngày, đại lý này sơ chế, đóng gói, xuất khẩu khoảng 1 container, tương đương 12 tấn vải, sang Trung Quốc.

Thương nhân trả 30.000 đồng/kg chưa bán

Dự kiến còn vài tuần nữa số vải chín sớm và vải thiều ở Bắc Giang mới bước vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên nhiều thương nhân đã về khảo sát, đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. 

Ông Trần Văn Lân (SN 1967, ngụ thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) có 650 cây vải thiều, sản lượng ước tính được khoảng 35 tấn. Mấy ngày trước, một số DN đã về khảo sát và đặt vấn đề muốn bao tiêu cả vườn với giá 30.000 đồng/kg. 

"Cả xóm tôi chưa ai đồng ý bán với giá 30.000 đồng/kg. Năm nay, nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận nên vườn vải đạt chất lượng vượt trội so với các năm trước" - ông Lân nói.

Sơ chế vải chín sớm chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: AN HIỀN

Ông Hoàng Ngọc Thanh, trưởng một mã số vùng trồng của xã Nam Dương, cũng cho biết nhiều DN đã đến khảo sát để xuất khẩu vải sang Mỹ, châu Âu. Vải của gia đình ông Thanh, ông Lân được sản xuất theo hướng GlobalG.A.P. rất khắt khe nên đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

"Chúng tôi chỉ được dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được cho phép. Quá trình chăm sóc luôn phải tỉa sạch lá, phát quang thân cây để tránh sâu bệnh, nấm mốc phát triển" - ông Thanh nói.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người lo ngại việc tiêu thụ vải thiều sẽ gặp khó khăn, tuy nhiên những người nông dân trồng vải đều tự tin mùa vải năm nay vẫn giành thắng lợi.

"Vụ vải Trung Quốc thu hoạch sớm hơn với vụ vải thiều Việt Nam nên không lo lắng. Hơn nữa, quả vải của ta chất lượng tốt hơn, nhiều dinh dưỡng hơn nên thương nhân nước bạn hay đến đặt mua để xuất khẩu sang nước thứ ba. Năm nay, dù sản lượng có giảm hơn mọi năm nhưng chất lượng quả vải lại cao, giá trị quả vải sẽ tăng cao hơn so với mọi năm" - ông Thanh cho biết.

Tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến với 63 tỉnh

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), đánh giá do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang sẽ có những khó khăn nhất định so với những năm trước. Trong bối cảnh đó, Lục Ngạn đã xây dựng nhiều kịch bản chi tiết để giúp nông dân tiêu thụ vải thiều một cách tốt nhất.

Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch bệnh còn phức tạp, chưa cho phép thương nhân nước ngoài vào thì tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa. Cạnh đó sẽ xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới. Đồng thời xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Kịch bản thứ hai, nếu Việt Nam công bố dịch thì đây là bối cảnh hết sức khó khăn cho xuất khẩu. Lúc này sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tập trung vào các thành phố, khu vực trọng điểm như miền Tây, TP.HCM, miền Trung, Hà Nội... Song song với bán quả tươi sẽ tổ chức sấy khô, ép nước, trữ đông chờ điều kiện tốt nhất để xuất khẩu. Hiện Lục Ngạn đã có 400 lò sấy, công suất 13.000- 15.000 tấn.

Kịch bản thứ ba, khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ vẫn tổ chức tiêu thụ, xuất khẩu như mọi năm. 

Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết huyện đã xây dựng nhiều kịch bản tiêu thụ vải thiều cho người dân. Ảnh: AN HIỀN


"Năm nay chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác xúc tiến thương mại. Dự kiến vào đầu tháng 6, Bắc Giang sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và hai điểm cầu ở nước bạn Trung Quốc, nơi chúng ta thường xuất khẩu vải thiều" - ông Nam thông tin.

Cùng với đó là tổ chức xuất quân vải thiều đi các tỉnh trong cả nước. Thành lập chuyên trang về tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang...

Để việc tiêu thụ vải thiều được diễn ra tốt nhất, huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm, liên lạc với 190 thương nhân Trung Quốc. Họ đã đồng ý sang Việt Nam, cùng thương nhân Việt Nam thu mua vải thiều.

Danh sách thương nhân Trung Quốc đã được gửi về UBND tỉnh, để tỉnh báo cáo Bộ Công an làm các thủ tục nhập cảnh. Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, huyện Lục Ngạn cũng chuẩn bị đủ nơi cách ly cho khoảng 700 người nước ngoài đến mua vải tại đây. 

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin thêm, huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho phép đưa đón các thương nhân Trung Quốc từ biên giới về nơi cách ly ở Lục Ngạn, đảm bảo thời gian cách ly theo quy định và việc thu mua vải cũng được giám sát chặt chẽ. 

Về vấn đề xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, ông Nam cho biết huyện đã chuẩn bị 98 ha vải thiều để sản xuất theo tiêu chuẩn đặt hàng của các đối tác. Sản lượng ước khoảng 1.000 tấn, chất lượng tốt. Hiện chưa rõ các đối tác có sang thu mua hay không nhưng người dân Lục Ngạn vẫn sản xuất thật tốt, chuẩn bị sẵn sàng.

Trong trường hợp xấu nhất, các thương nhân Nhật Bản không sang thu mua được như kế hoạch, huyện sẽ thông qua các công ty ở trong nước thu mua tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang Nhật, sang Đông Âu, sang Mỹ. Hiện đã có các DN ở TP.HCM ra đặt hàng mua để xuất khẩu sang Mỹ và Đông Âu.

"Tôi yên tâm là lượng vải này vẫn được xuất khẩu một cách tốt nhất hoặc đưa vào các thị trường cao cấp trong nước" - ông Nam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm