Đã bốn tháng trôi qua nhưng bé Hồ Nhật An (gần hai tuổi) vẫn nằm im bất động tại phòng cấp cứu của BV Nhi đồng 1 (quận 10, TP.HCM).
Nhìn con nằm trên giường, hai chân cứ duỗi thẳng, người không nhúc nhích, không có ý thức, đôi mắt bị khâu lại vì biến chứng loét giác mạc, chị Hồ Trúc Linh (40 tuổi, ngụ xã Hòa An, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) nói như khóc: "Con nằm viện cũng được gần bốn tháng rồi. Não con ngừng hoạt động rồi, bác sĩ cũng không biết trị sao nữa…".
Chị Linh vẫn còn nhớ rõ đó là ngày 7-2, khi chị vẫn đang mải miết bán rau ngoài chợ thì nhận được tin con trai gặp chuyện chẳng lành. “Người nhà báo là không tìm thấy con đâu. Tôi lật đật chạy về, bà ngoại bé thì khóc đi tìm cháu. Bà giặt đồ sau nhà, khi quay ra thì không thấy bé đâu nữa. Hỏi hàng xóm nhưng không ai thấy cả...” - chị Linh nhớ lại.
Liền sau đó, mọi người tỏa ra đi tìm thì mới thấy cơ thể bé nổi lềnh bềnh dưới một khúc sông ngay sau nhà. “Mọi người vớt con lên thì con đã không còn thở được nữa. Con đã chết lâm sàng dù đã tìm cách hô hấp cho con” - chị Linh đau đớn nói.
"Lúc đó con gần hai tuổi rồi, đã biết đi, biết đá banh cùng hàng xóm, nó lanh lẹ lắm” - người mẹ nghẹn giọng, lục tấm ảnh của con trong điện thoại ra đưa cho mọi người xem.
Chị Linh vẫn mong bé An sẽ hồi phục nhưng cơ hội đó là rất mong manh. Ảnh: THANH THÙY
Lúc ấy chị lập tức đưa con đến bệnh viện địa phương, các bác sĩ nói não bé mất ôxy đã quá bốn phút. Bác sĩ chỉ kịp sơ cứu để tim đập lại, đặt nội khí quản rồi chuyển bé lên BV Nhi đồng 1 ngay trong đêm.
Tại BV Nhi đồng 1, bác sĩ kết luận não của bé An không hoạt động, cơ mắt không thể co duỗi. Vì không thể nhắm mắt được nên mắt bé khô dần, bắt đầu viêm giác mạc, lở loét. “Bác sĩ phải may mắt con lại, chờ khi tạm thời giải quyết xong tình trạng viêm phổi sẽ đưa con sang BV Mắt để kiểm tra mức độ tổn thương” - chị Linh nói.
Chị vẫn hy vọng con sẽ khỏe mạnh trở lại nhưng phía bác sĩ thì bảo rằng cơ hội rất mong manh vì bé đã hoàn toàn chết não.
Trường hợp đau lòng của bé Hồ Nhật An không phải là duy nhất khi gần đây rất nhiều vụ trẻ bị đuối nước, đi tắm sông bị chết đuối ở nhiều nơi. Chỉ vừa sáng nay, tại xã Yên Tĩnh (huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) đã xảy ra vụ đuối nước khiến hai em nhỏ là Kha Lương Chí Dũng và Kha Mạnh Khang (học lớp 1) tử vong. Trước đó, tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), bé Huỳnh Quốc Quý (11 tuổi) trong lúc rửa trái cây ở bờ sông bị té ngã xuống nước. Khi người nhà phát hiện thì em đã tử vong. Đau đớn hơn là trường hợp của gia đình anh Trần Văn Lam (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), trong cùng một ngày đã mất cả ba đứa con (gồm hai bé gái và một bé trai) cũng vì đuối nước ở bờ sông gần nhà.
Các bậc phụ huynh cần chú ý hơn trong việc để con đi chơi một mình hay đi cùng bạn bè ở khu vực gần sông, suối... Ảnh: INTERNET
Mùa hè đang đến gần, nhiều trẻ tự ý đi chơi cùng bạn bè hàng xóm nên những sự việc tương tự như trên rất dễ xảy ra. Đặc biệt ở các vùng quê hay khu vực dân cư gần các kênh mương, sông suối, trẻ nhỏ thường thích tụ tập tắm sông, nô đùa trong mùa hè nóng nực. Ngay cả khi có người lớn kèm sát thì tai nạn đuối nước vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, cả phụ huynh và các em cần luôn đề cao cảnh giác.
Cho đến bây giờ, một số gia đình vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc phòng ngừa trẻ em đuối nước, cũng không cảnh giác, nhắc nhở con em mình phải cẩn thận, tránh xa những khu vực như sông, suối hay hồ nước. Ở các tỉnh miền Tây, xung quanh nhà lại không có hàng rào; trẻ thường đùa giỡn hoặc đến chơi gần các hố, bờ sông nên càng nguy hiểm.
Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cần chú ý để dạy con mình các kỹ năng an toàn trong môi trường dưới nước để trẻ biết cách xử lý tình huống khi té ngã xuống nước. Quan trọng nhất là hãy cho con em đi học bơi từ sớm, rèn luyện thể lực, điều này có thể là yếu tố sống còn đối với trẻ. Hãy cho trẻ đến các hồ bơi, tham gia hoạt động ngoại khóa trong mùa hè thay vì để các em dính chặt với tivi, iPad và điện thoại như nhiều cha mẹ vẫn đang thực hiện.