Đến hẹn lại lên, cứ gần cuối năm, câu chuyện thưởng Tết lại nóng ran trong giới người lao động (NLĐ).
Theo quy định, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định.
Nghĩa là mức thưởng cho NLĐ tùy thuộc vào khả năng tài chính dồi dào hay eo hẹp nơi họ làm việc. Tuy nhiên, việc quá chênh lệch trong mức động viên nhân viên giữa các doanh nghiệp (DN) khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Như năm nay, một DN dùng quà là ô tô để khích lệ nhân viên, trong khi đó tại nhiều công ty, mức thưởng chỉ đủ mua vài tô phở lót dạ cho công nhân trên quãng đường về quê đón Tết.
Nguyên cớ gây nên chuyện thưởng “nơi đỉnh cao, nơi vực sâu” kia như đã nói, phụ thuộc vào tình hình làm ăn trong năm cũng như mức độ hào phóng của DN.
Có điều NLĐ, họ làm việc ở tổ chức nào cũng đều chăm chỉ tám giờ mỗi ngày, đều đem sức lực và tâm huyết có thể nhất của mình góp vào tổ chức ấy. Thế nhưng những nỗ lực của họ được ghi nhận thông qua vật chất lại khác xa nhau.
Nghịch lý trên liệu có phải là một bất cập vô phương khắc phục? Tâm lý mặc cảm vì sự chênh lệch kia tới lúc nào bị xóa nhòa?
Tôi cho rằng nhiều địa phương đã nhận biết điều này từ hàng chục năm nay và đã có những tác động nhằm thay đổi. Chỉ tính việc chăm lo Tết Kỷ Hợi 2019 này, Công đoàn Các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM có kế hoạch tặng 6.000 vé xe cho công nhân về quê đón Tết. Hay tại Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh này cũng sẽ tặng 1.600 vé tàu, xe cho công nhân nghèo các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nam bộ.
Hoặc ở Bình Dương, ngoài việc các cấp công đoàn tặng 380.000 suất quà trị giá 130 tỉ đồng và tặng gần 5.000 vé xe cho công nhân, UBND tỉnh cũng chi từ ngân sách hơn 5 tỉ đồng...
Song song với hỗ trợ về vật chất đó, cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành cũng phối hợp với DN tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ chăm lo cho đời sống tinh thần NLĐ xa quê ở lại ăn Tết.
Như vậy, không thể buộc những cơ sở cả năm làm ăn ỳ ạch phải xuất tiền theo kiểu “xắn tay đốt nhà táng”, cũng không thể tác động khiến những nơi ấy thay đổi cách quản lý để tài sản dồi dào, mức thưởng bao la… Tuy nhiên, những hành động quan tâm ấy cũng phần nào giúp NLĐ ấm lòng.
Giải pháp tiếp theo cũng vẫn từ phía cơ quan chức năng với việc ban hành những chính sách mở, tạo điều kiện để DN cất cánh. Bởi khi kinh doanh sản xuất tốt thì thu nhập của NLĐ tốt, họ không cần ngóng đợi những dịp lễ để cải thiện mức sống nữa.
Tới lúc việc thưởng Tết không còn là cứu cánh của vấn đề cơm áo mà chỉ là khoản vật chất có ý nghĩa biểu tượng ghi nhận những cống hiến trong năm thì chắc chắn nỗi mặc cảm “nơi đỉnh cao, nơi vực sâu” kia sẽ không còn.