Tỉ phú Berezovsky: Phá thối chính phủ Nga

Tháng 11-2000, tỉ phú Boris Berezovsky quyết định ở lại Anh vì nhận thấy chính quyền Nga bắt đầu sờ tới ông. Berezovsky đã thắng Nga khi được Anh cho phép tị nạn chính trị. Tuy nhiên, Berezovsky phải trả giá với tài sản bị mất mát gần hết.

Tiền đội nón ra đi

Nga đã kê biên phần lớn tài sản của Boris Berezovsky vào năm 2001 và tổ chức hai phiên tòa xét xử vắng mặt với bản án 19 năm tù giam và gần 300 triệu rúp tiền phạt (200 tỉ đồng VN) dành cho Berezovsky. Nhiều nước đã hợp tác với Nga phong tỏa tài sản của Berezovsky vì xem các giao dịch tài chính của ông chẳng khác gì rửa tiền.

Năm 2006, Berezovsky bán hết tài sản ở Nga và sống hẳn bên Anh. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), tài sản của Berezovsky năm 1997 được khoảng 3 tỉ USD. Tuy nhiên, số tiền này đã giảm giá trị rất nhanh vì khủng hoảng kinh tế cuối những năm 2000. Báo Sunday Times (Anh) khẳng định tài sản của Berezovsky vào thời điểm năm 2011 chỉ còn khoảng 900 triệu USD.

Năm 2011, Berezovsky đã chi khoảng 300 triệu USD trong vụ dàn xếp ly hôn với người vợ thứ hai Galina Besharova. Năm sau, ông mất 60 triệu USD lệ phí pháp lý trong vụ kiện đòi đối tác năm xưa Roman Abramovich bồi thường 3 tỉ USD. Nhiều người cho rằng Berezovsky đã đặt niềm tin và rồi thất vọng não nề sau khi thua kiện. Cũng trong năm này, ông phải bán dần nhiều bất động sản ở Anh vì áp lực tài chính.

Tỉ phú Berezovsky: Phá thối chính phủ Nga ảnh 1

Ngày 25-3, cảnh sát canh gác bên ngoài biệt thự ở TP Ascot (Anh) của ông Boris Berezovsky (ảnh nhỏ). Ảnh: PA Wire

Kiện tụng không mệt mỏi

Trong thời gian sống lưu vong ở Anh, Boris Berezovsky dành phần lớn thời gian để… đi kiện.

Năm 2000, Berezovsky đã vận động Hạ viện Anh cho phép đệ đơn kiện tạp chí Forbes (Mỹ) về tội phỉ báng. Trong một bài viết với tựa đề “Bố già điện Kremlin” xuất bản ngày 30-12-1996, tạp chí này đã gọi ông là nghi can giết người. Cuối cùng Forbes phải rút lại lời cáo buộc. Đã có nhiều tranh cãi về thẩm quyền của tòa án Anh trong vụ án này bởi trong 785.000 ấn bản Forbes phát hành, chỉ có 2.000 ấn bản bán ở Anh.

Tháng 6-2006, báo Guardian (Anh) phải xin lỗi Berezovsky vì năm 2005 đã đăng một bài viết gọi ông là kẻ lừa đảo đang bị Nga tìm cách dẫn độ.

Trong năm 2006, tòa án Anh tuyên Chủ tịch ngân hàng Alfa (Nga) Mikhail Fridman phải bồi thường danh dự cho Berezovsky 50.000 bảng Anh (gần 1,6 tỉ đồng VN) về tội phỉ báng.

Hai năm trước, ông Mikhail Fridman đã tố cáo trên đài truyền hình Nga rằng Berezovsky dọa sẽ giết ông trong khi hai người giành quyền kiểm soát nhà xuất bản Kommersant hồi năm 1999, đồng thời kết luận Berezovsky là người có thói quen sử dụng bạo lực trong kinh doanh.

Đến tháng 4-2007, kênh truyền hình RTR Planeta (Nga) tố Berezovsky đứng sau cái chết của điệp viên Nga Alexander Litvinenko (sống lưu vong tại Anh, chết do bị đầu độc năm 2006). Tháng 3-2010, tòa án Anh tuyên phần thắng thuộc về Berezovsky và RTR Planeta phải bồi thường 150.000 bảng Anh (hơn 4,7 tỉ đồng VN).

Cú thua đau đớn

Thắng nhiều vụ nhưng Boris Berezovsky lại thua trong vụ kiện quy mô lớn nhất và có ý nghĩa nhất về tài chính.

Năm 2011, Berezovsky kiện đối tác Roman Abramovich ra tòa án London (Anh) về các hành vi tống tiền và vi phạm hợp đồng ở Tập đoàn Dầu khí Sibneft (Nga) và đòi bồi thường 3 tỉ USD.

Bị đơn Roman Abramovich trình bày rằng Berezovsky chưa bao giờ sở hữu cổ phần tại Tập đoàn Sibneft và khoản 1,3 tỉ USD ông chi cho Berezovsky hồi năm 2001 thực ra chỉ để cảm ơn Berezovsky giúp đỡ và bảo vệ về chính trị trong quá trình ông mua lại Tập đoàn Sibneft năm 1995.

Tháng 8-2012, tòa án Anh tuyên Berezovsky thua kiện. Báo Daily Telegraph (Anh) ghi nhận đây là vụ kiện dân sự lớn nhất trong lịch sử pháp lý ở nước Anh.

Làm chính trị từ Anh

Trong thời gian ở Anh, Boris Berezovsky vẫn không quên nghề cũ là làm chính trị.

Luật của Ukraine cấm nhận hỗ trợ tài chính từ công dân nước ngoài để tranh cử. Tháng 9-2005, nguyên Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk đã tố cáo Berezovsky cung cấp tiền bạc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên Viktor Yushchenko. Chứng cứ là giấy tờ chuyển tiền từ các công ty của Berezovsky sang các công ty của những người ủng hộ Yushchenko.

Tại Anh, báo Daily Mail (Anh) cho biết từ năm 2002 đến 2008, Berezovsky nhiều lần bí mật tài trợ tổng cộng 230.000 bảng Anh (hơn 7,2 tỉ đồng VN) cho một công ty riêng của hoàng tử Michael xứ Kent. Báo đặt nghi vấn hoàng tử Michael có đổi chác gì với Berezovsky. Vì vụ này, nhiều nghị sĩ Anh đã từng yêu cầu trục xuất Berezovsky.

Tại Mỹ, năm 2003, Berezovsky đầu tư vào Tập đoàn Phần mềm giáo dục Ignite!Learning của Neil Bush, em trai Tổng thống George W. Bush. Có nhiều đồn đoán rằng đây là nguyên nhân khiến quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng.

Hủy hoại hình ảnh Putin

Đối với quê hương nước Nga, Berezovsky vẫn không quên mối thâm thù với Tổng thống Putin.

Tháng 9-2005, Berezovsky huênh hoang với hãng tin BBC (Anh) rằng Putin sẽ không sống đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 và rồi ông sẽ quay trở về Nga. Năm 2006-2007, Berezovsky tuyên bố với báo chí Nga và Anh rằng ông đang chuẩn bị lật đổ Putin bằng vũ lực, rằng ông sẽ cung cấp tiền và khuyến khích các tổ chức chống Putin ở Nga đứng lên lật đổ Putin.

Berezovsky thừa nhận suốt sáu năm ở Anh, với phương Tây giúp sức, ông đã nỗ lực hủy hoại hình ảnh tích cực của Tổng thống Putin bằng cách dựng lên một Putin cực kỳ nguy hiểm trong chống đối dân chủ, một Putin từ phạm tội ác chiến tranh ở Chechnya đến đàn áp ngôn luận.

Thậm chí Berezovsky còn tố Cơ quan An ninh Liên bang Nga chủ mưu các vụ đánh bom ở Moscow (Nga) năm 1999 (300 người chết) để lấy cớ đó Putin (khi đó là thủ tướng) tiến hành chiến tranh tại Chechnya và tiến đến vị trí tổng thống.

Có thông tin cho rằng Berezovsky giả vờ dựng lên các âm mưu ám sát ông để đổ tội cho chính quyền Putin. Ví dụ hồi tháng 6-2007, Berezovsky cho biết Sở Cảnh sát London khuyên ông nên rời khỏi Anh vì có tin ông sẽ bị một sát thủ bắn tỉa người Nga ám sát và chỉ đạo ám sát ông chính là Putin.

Bộ Ngoại giao Anh đã cảnh cáo có thể sẽ không cho Berezovsky tị nạn chính trị nữa nếu ông còn có những tuyên bố tương tự. Quan hệ Nga-Anh gặp không ít khó khăn vì những phát ngôn của Berezovsky. Nga đã bực mình mở cuộc điều tra hình sự nhắm vào Berezovsky.

Boris Berezovsky chết do treo cổ tự tử

Ngày 25-3 (giờ địa phương), cảnh sát Anh ra thông cáo cho biết theo kết quả giải phẫu tử thi do các bác sĩ bệnh học của Bộ Nội vụ Anh thực hiện, tỉ phú Boris Berezovsky 67 tuổi đã treo cổ tự tử và không tìm thấy dấu vết nào chứng tỏ có ẩu đả trước khi chết.

Theo báo The Guardian (Anh), vợ ông Berezovsky và bạn bè cũng đã nhìn thấy các dấu vết xung quanh cổ nạn nhân và một khăn choàng cổ tại hiện trường, dấu hiệu cho thấy ông đã bị ngạt thở do treo cổ.

Hiện thời các bác sĩ nghiên cứu bệnh học Anh vẫn đang tiếp tục làm thêm nhiều xét nghiệm, trong đó có các xét nghiệm về mô học và độc tố. Tuy nhiên, phải vài tuần nữa mới có kết luận cuối cùng. Trước đó, chiều 23-3, cận vệ của ông Boris Berezovsky đã tìm thấy ông nằm chết trên sàn phòng tắm trong ngôi biệt thự sang trọng ở TP Ascot cách thủ đô London (Anh) khoảng 60 km.

DUY KHANG

ĐĂNG KHOA - DUY KHANG

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm