Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của hãng hàng không Vinpearl Air.
Theo đó, hãng bay này dự kiến sẽ có sáu máy bay cất cánh trong năm đầu tiên và sẽ đạt 30 máy bay vào năm 2024.
Theo đề án của Vinpearl Air, hãng hàng không có tổng vốn đầu tư 4.700 tỉ đồng, trong đó gần 30% là vốn tự có và số còn lại đến từ đi vay và huy động.
Trong báo cáo kết quả thẩm định dự án vận tải hàng không Vinpearl Air của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án này có thời gian hoàn vốn 5-6 năm và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023. Vinpearl Air sẽ giúp đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỉ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch năm năm (năm 2024).
Trước đó, Cục Hàng không đã từng lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng vượt quá nhu cầu của thị trường. Do vậy, quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.
Trong một tính toán của mình, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho biết sự có mặt của Tập đoàn Vingroup với Vinpearl Air cùng Vietravel Airlines và Thiên Minh Airlines cũng sẽ góp phần khiến cho bầu trời Việt Nam càng thêm chật chội trong thời gian tới.
Do đó, với việc các hãng hàng không liên tiếp đi vào hoạt động với quy mô không hề nhỏ sẽ khiến cho thị trường hàng không ngày càng trở nên khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh mới đều có tiềm lực về tài chính và có nền tảng hỗ trợ với hệ sinh thái du lịch riêng của mình (Bamboo với các khu du lịch FLC, Vinpearl Air với các khu du lịch Vinpearl, Vietravel Air với hãng du lịch riêng Vietravel).
Nếu trong thời gian tới, sớm nhất là vào năm 2020, các hãng này dự kiến đi vào khai thác các chuyến bay thương mại đầu tiên, Việt Nam sẽ có tám hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội máy bay dự kiến đưa vào hoạt động cho tới năm 2023.