Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM cho biết, dù các kênh bán lẻ như website, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ nhưng chỉ đang chiếm khoảng 20%, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm 80% với khoảng 107,4 tỷ USD.
Năm 2018 doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam đạt 143 tỉ USD, dự kiến 2020 sẽ đạt 160 tỷ USD. Thị trường tiềm năng như vậy nhưng việc tiếp cận, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào kênh truyền thống chưa hiệu quả.
Nguyên nhân là do hệ thống phân phối tự mở ở dạng cục bộ, chi phí cao, quá trình quản lý giá, các chương trình tiếp thị, quảng cáo chưa đồng bộ với hệ thống phân phối, lãng phí kho bãi, giao nhận, khả năng mở rộng khó.…Vì vậy mà các bên liên quan như các chủ cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Tiệm tạp hóa "lên đời" với nền tảng phân phối đa nhiệm.
Đồng tình, ông Vincent Lữ, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư BB Việt Nam cho biết, với 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, 9.000 chợ truyền thống… thì vấn đề của kênh truyền thống là chi phí đầu tư ban đầu lớn, chi phí vận hành cao, khó quản trị, khó đo lường hiệu suất phân phối, kinh doanh.
Do đó, BB Link-nền tảng phân phối hàng hóa dịch vụ đa nhiệm thông qua kênh truyền thống và cửa hàng tạp hóa với các hệ thống kho bãi, đội ngũ chuyên viên kinh doanh, giao hàng; các nền tảng công nghệ vận hành quản trị mới sẽ giúp đưa hàng hóa đến hơn 9.000 điểm bán, hỗ trợ điểm bán trở thành kênh bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), việc đưa nền tảng phân phối đa nhiệm cho kênh bán lẻ truyền thống sẽ giải quyết được vấn đề lớn là nhà cung cấp không cần phải giao hàng xuyên tỉnh nữa mà sẽ giao ngay tại địa phương, tất cả chi phí ở địa phương. Mô hình mới này ra đời không cạnh tranh để triệt tiêu lẫn nhau mà cùng nhau phát triển tốt hơn.