Tiền Giang: Công bố tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt

(PLO)- Xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, người dân huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đang trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-4, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 1‰) về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, phục vụ duy trì hoạt động sản xuất nước sinh hoạt kịp thời cung cấp cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Tiền Giang: Công bố tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt
Người dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Bùi Thái Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, huyện Tân Phú Đông là huyện cù lao chịu nhiều ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hằng năm địa phương phải hứng chịu đợt xâm nhập mặn kéo dài từ 6 đến 9 tháng.

Cũng theo ông Sơn, hiện nay độ mặn sông Tiền, sông Cửa Trung tăng cao, các kênh nội đồng cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng rất cao.

Toàn huyện có hơn 12.000 hộ sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang.

Nhu cầu sử dụng của người dân hiện tại trên địa bàn huyện là 10.270 m3/ngày đêm; trong đó nguồn tự sản xuất là 2.500 m3/ngày đêm nhận nguồn từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm 6.000 m3/ngày đêm.

xam-nhap-man-thieu-nuoc-ngot-3.gif
Người dân đến lấy nước tại các vòi nước công cộng.

Như vậy nguồn nước phục vụ thực tế là 8.500 m3/ngày đêm, còn thiếu khoảng 1.770 m3/ngày đêm.

Tân Phú Đông là huyện cù lao chịu nhiều ảnh hưởng của xâm nhập mặn, hằng năm địa phương phải hứng chịu đợt xâm nhập mặn kéo dài từ 6 đến 9 tháng.

Do đó, việc vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền để bơm bổ cấp vào ao Phú Thạnh và ao Tân Thới để cấp nước sinh hoạt cho khoảng hơn 12.000 hộ dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông là rất khẩn cấp.

Cũng theo ông Sơn, để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong đợt khô hạn đang diễn ra gay gắt, trước đó UBND huyện Tân Phú Đông đã có công văn đề xuất vận chuyển nước ngọt bằng sà lan bơm vào ao Phú Thạnh và ao Tân Thới (rộng 6 ha), mỗi ao 2.000 m3/ngày kéo dài đến hết mùa khô để nhà máy nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang xử lý, cấp bổ vào hệ thống đường ống dẫn nước trực tiếp đến hộ dân.

xam-nhap-man-thieu-nuoc-ngot-1.gif
Hiện các ao nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt tại huyện Tân Phú Đông dần cạn kiệt.

“Ngoài biện pháp khẩn cấp vận chuyển nước ngọt bằng sà lan đến các ao chứa, đến thời điểm hiện tại Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tiền Giang đã mở 7 vòi nước công cộng trên địa bàn huyện. Đồng thời trong những ngày qua huyện cũng vận động các mạnh thường quân, nhà tài trợ chở nước ngọt trực tiếp đến cấp miễn phí cho người dân sử dụng vào mục đích thiết yếu” - Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông chia sẻ.

Về giải pháp ứng phó thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, huyện đang để xuất mở rộng ao chứa nước rộng 6 ha hiện trạng ở Tân Thới trở thành ao rộng 20 ha để chứa nước dùng cho sản xuất và nước sinh hoạt phục vụ cho hơn 12.000 hộ dân trên địa bàn huyện trong những mùa khô hạn những năm tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm