Tiền Giang: Nhiều tuyến kênh nội đồng cạn trơ đáy, nứt toác giữa mùa hạn mặn

(PLO)- Xâm nhập mặn diễn ra gay gắt nhiều tuyến kênh nội đồng vùng “Ngọt hóa Gò Công” của tỉnh Tiền Giang cạn trơ đáy do hạn mặn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng một tháng nay, cống Xuân Hòa (trên kênh Xuân Hòa – Tuyến kênh chính dẫn nước từ sông Tiền về cung cấp cho vùng “Ngọt hóa Gò Công” của tỉnh Tiền Giang) đóng, ngăn nước mặn từ sông Tiền vào nội đồng. Mất nguồn cung, cộng với nắng nóng kéo dài nên nhiều tuyến kênh nội đồng phía bên trong cống cạn kiệt nước.

Bơm vét nước cứu khát cho thanh long

Những ngày cuối tháng 3, sông Bình Phan (bên trong cống Xuân Hòa) dài hơn 6km chảy qua các xã Bình Phan, Xuân Đông, Hòa Định, An Thạnh Thủy… của huyện Chợ Gạo sắp cạn trơ đáy. Dọc theo tuyến sông này, người dân đặt nhiều máy bơm chạy liên tục để bơm vét lượng nước còn lại dưới đáy sông vào kênh nội đồng, cứu khát cho vườn cây, hoa màu.

Nhiều tuyến kênh nội đồng cạn trơ đáy, nứt toác giữa mùa hạn mặn
Nhiều tuyến kênh nội đồng trên địa bàn xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cạn trơ đáy
han-man-nuoc-song-can-tro-day-14.gif
Lòng kênh nứt toác do cạn kiệt nước

Ông Bùi Văn Thuận ở ấp Bình Ninh, xã Bình Phan có vườn thanh long 8.000m2 đang rơi vào cảnh thiếu nước tưới. Ông Thuận cho biết nước trong kênh nội đồng đã cạn khô khoảng 10 ngày nay.

“Vườn thanh long của tôi cách 2 ngày phải tưới một lần. Giờ còn ít nước dưới sông Bình Phan, tôi tranh thủ bơm nước vào mương nội đồng rồi hút lên tưới, chứ ở đây không còn nguồn nước nào nữa” - ông Thuận than thở.

Ông Trần Văn Tèo – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phan cho biết xã Bình Phan có hơn 2.200 hộ, trong đó có 80% sống bằng nghề trồng trọt. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 250ha trồng thanh long và 170ha dừa đang trong tình cảnh thiếu nước tưới.

han-man-nuoc-song-can-tro-day-13.gif
Người dân mưu sinh bên dòng sông cạn kiệt nước
han-man-nuoc-song-can-tro-day-10.gif
Người dân bơm nước từ sông Bình Phan vào kênh nội đồng

“Các kênh nội đồng trên địa bàn xã đều cạn khô, nước trên sông Bình Phan tuyến sông chính dẫn nước vào kênh nội đồng cũng sắp cạn kiệt. Mấy ngày nay người dân tận dụng bơm chuyền nước từ sông Bình Phan vào kênh nội đồng để tưới tiêu. Tình hình nắng nóng này và người dân ồ ạt bơm vét nước dưới sông thì chỉ trong vài ngày nữa thôi nước sông Bình Phan cũng sẽ cạn khô”- ông Tèo nói.

Tương tự, nước ngọt phục vụ sản xuất dưới mương nội đồng cạn khô, để có nước tưới cho vườn bắp 6.000m2 đang thời kỳ nuôi trái, ông Võ Thanh Sơn ở ấp Thạnh Khiết, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo đóng góp chi phí cùng nhiều bà con ở ấp Bình Thọ Đông, xã Bình Phan bơm vét nước từ sông Bình Phan vào kênh Tham Thu.

han-man-nuoc-song-can-tro-day-9.gif
han-man-nuoc-song-can-tro-day-8.gif
Hạn mặn gay gắt, người dân canh bơm nước về kênh nội đồng

Tiếp đó ông Sơn đặt một máy bơm khác bơm từ kênh Tham Thu qua cống băng xuyên qua QL50, nước theo mương nội đồng phải mất 3 giờ đồng hồ mới về tới vườn bắp.

“Còn khoảng hơn 10 ngày nữa vườn bắp của tôi thu hoạch xong thì không phải lo nước tưới nữa. Bây giờ không còn nước, dù tốn kém cũng cố gắng bơm nước tưới, chứ bỏ khô là trắng tay vụ bắp này” - ông Sơn cho hay.

han-man-nuoc-song-can-tro-day-5.gif
han-man-nuoc-song-can-tro-day-3.gif
Ông Bùi Văn Thuận lo vườn thanh long không còn nước tưới khi hạn mặn tiếp tục kéo dài

Nhiều người dân ở vùng "Ngọt hóa Gò Công" cho biết họ trông chờ nước sông Tiền hết mặn, cống Xuân Hòa xả nước vào nội đồng hoặc chờ trời mưa xuống mới mong có nước tưới.

Cống Xuân Hòa sẽ vận hành lấy nước vào cuối tháng 4

Ông Nguyễn Đức Thịnh- Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh TIền Giang cho biết trên sông Tiền độ mặn trên 1 g/l đã xâm nhập sâu vào nội đồng cách cửa sông 60km.

han-man-nuoc-song-can-tro-day-11.gif
Sông Bình Phan cũng sắp cạn trơ đáy
han-man-nuoc-song-can-tro-day-7.gif
Bơm nước vào kênh nội đồng

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ thành công và cho thu hoạch xong hơn 45.000 ha lúa Đông Xuân 2023-2024, hơn 25.600 ha rau màu thực phẩm các loại, cung cấp đủ nước tưới cho hơn 84.000 ha cây ăn trái ở các huyện phía Tây và phía Đông của tỉnh.

Các cơ quan chức năng nhận định những ngày cuối tháng 3 xâm nhập mặn trên sông Tiền có xu hướng giảm dần. Sau đó mặn sẽ tăng trở lại vào kỳ triều cường đầu tháng 3 âm lịch (tức ngày 9 đến ngày 10-4); biên mặn 1g/l trên sông Tiền sẽ lấn sâu từ 62-66 km. Từ ngày 15-4 độ mặn trong nội đồng sẽ rút dần về hạ lưu.

“Theo nhận định trên, khả năng cống Xuân Hòa sẽ vận hành lấy nước vào cuối tháng 4 năm nay”- ông Thịnh nói.

han-man-nuoc-song-can-tro-day-12.gif
Đường ống bơm nước từ kênh nội đồng lên tưới cây

Về nguồn nước sinh hoạt, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang hiện nay nhu cầu sử dụng nước bình quân của các huyện, thị phía Đông (huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông và thị xã Gò Công) khoảng 84.000 m3/ngày đêm, chủ yếu từ Nhà máy nước Đồng Tâm đưa về và nguồn nước sản xuất tại chỗ.

Đối với những hộ dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung. Đến nay, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã mở 49 vòi cấp miễn phí cho người dân sử dụng. Trong đó huyện Gò Công Đông mở 42 vòi, huyện Tân Phú Đông mở được 7 vòi; tổng lượng nước đã cấp 1.791 m3.

han-man-nuoc-song-can-tro-day-17.gif
han-man-nuoc-song-can-tro-day-16.gif
Người dân huyện Tân Phú Đông đến lấy nước ngọt tại các vòi nước công cộng

Cũng theo Chi Cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, với tình hình hạn mặn như hiện nay, UBND tỉnh Tiền Giang đã cho chủ trương giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để cung cấp cho các huyện, thị khu vực phía Đông.

Theo kế hoạch bắt đầu từ cuối tháng 3 này, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang sẽ vận chuyển 182.000 m3 nước ngọt bằng sà lan từ thượng nguồn sông Tiền về ao Phú Thạnh ( xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) và ao 6 ha ở xã tân Thới huyện Tân Phú Đông để cấp cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm