Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH dự kiến tăng bình quân gần 55%

(PLO)- Chính phủ dự kiến điều chỉnh tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức lên khoảng 30%, nên mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cũng tăng bình quân khoảng 54,89%.

Hiện Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước từ 1-7-2024. Tuy nhiên, dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024), chưa cập nhật, đánh giá toàn diện đầy đủ của việc thực hiện cải cách tiền lương.

Thêm vào đó, nhiều người lo ngại mức lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương sẽ có sự chênh lệch lớn.

Lương tăng, tiền đóng BHXH sẽ tăng thêm 31.728 tỉ đồng mỗi năm

Theo BHXH Việt Nam, hiện có trên 2,7 triệu cán bộ, công chức, viên chức đang tham gia BHXH bắt buộc, với mức tiền lương gần 7 triệu đồng mỗi tháng.

Nếu Chính phủ điều chỉnh tăng lương như dự kiến, đồng nghĩa với việc tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bình quân tăng thêm khoảng 54,89% và tỉ lệ đóng BHXH là 25%, thì số tiền thu tăng thêm trong một năm là 31.728 tỉ đồng. Trong đó, người sử dụng lao động đóng BHXH tăng thêm là 21.575 tỉ đồng (tăng gần 20%); ngân sách Nhà nước đóng BHXH tăng thêm 17.260 tỉ đồng (khoảng 80%).

Tới đây, khu vực Nhà nước sẽ thay đổi cách tính tiền lương hưu. Ảnh: V.LONG

Với mức tăng như trên, BHXH Việt Nam nhận định người có thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương sau cải cách càng dài thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo quy định cũng tăng tương ứng và cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1-7-2024.

“Điều này dẫn đến vấn đề chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới. Song song đó, phương án điều chỉnh lương hưu hàng năm để đảm bảo lương hưu của người lao động nghỉ hưu trước “đuổi kịp” người nghỉ hưu sau ngày 1-7-2024 sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất…”- BHXH Việt Nam cho hay.

Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam cho rằng để tránh phát sinh dư luận xã hội khi so sánh mức lương hưu của người nghỉ trước và sau khi cải cách tiền lương, hoặc giữa người nghỉ hưu thuộc khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, cân đối khả năng thu - chi quỹ hưu trí, tử tuất lâu dài thì phải sửa luật. Cụ thể ở đây là sửa Điều 62 Luật BHXH, quy định định về cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần.

“Theo hướng, từ ngày 1-7-2024, mức bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật BHXH năm 2014 được áp dụng đối với người lao động có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1-7-2024, thời gian đóng BHXH từ ngày 1-7-2024 trở đi được tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH”- BHXH Việt Nam đề xuất.

Như vậy có thể hiểu sau thời điểm cải cách tiền lương, tiền lương để tính lương hưu của khu vực Nhà nước không còn được tính theo số năm cuối trước khi nghỉ hưu mà tính toàn bộ quá trình đóng, tương tự khu vực ngoài nhà nước đang áp dụng hiện nay.

Năm 2024 lương hưu chỉ nên tăng 8%

Về phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, BHXH Việt Nam, góp ý năm 2024 chỉ nên tăng 8% so với năm 2023. Điều này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1-7-2024 trở đi.

“Với mức tăng như trên, ngân sách Nhà nước tăng khoảng 1.900 tỉ đồng; Quỹ BHXH tăng khoảng 6.900 tỉ đồng, chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế”- BHXH Việt Nam cho hay.

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho biết theo phương án cải cách tiền lương, từ 1-7, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%/năm.

Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1-7 tới đây, lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%.

Con số này tuy không phải là vượt bậc, nhưng cũng là mức tăng đáng kể so với con số tăng bình quân mỗi năm 7% khi chưa thực hiện cải cách tiền lương.

“Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cũng như Bộ Nội vụ và các bộ, ngành trong triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết 27 Trung ương khóa XII; nhất là trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn sau tác động của đại dịch COVID-19…”- bà Trà cho hay.

Thay cơ cấu tiền lương

Theo Bộ Nội vụ, tới đây cơ cấu tiền lương sẽ gồm: lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản của năm, không bao gồm phụ cấp).

Trong đó bộ đã nêu rõ thực hiện chế độ lương chức vụ (bỏ chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo) và thu hẹp đối tượng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề (chỉ còn áp dụng đối với quân đội, công an, cơ yếu).

Bộ Nội vụ đề nghị tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) khi thực hiện chế độ tiền lương mới tiếp tục quy định là mức tiền lương cơ bản (quy định trong 5 bảng lương mới), phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới