Các công ty chứng khoán vừa có báo cáo đồng tiền Việt Nam (VND) tăng giá liên tiếp hai tháng đã giúp hỗ trợ mạnh tiền đồng trong bối cảnh đồng nhân dân tệ vượt qua lằn ranh đỏ khi hơn 7 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong tháng 7, dòng vốn FDI giải ngân đạt 1,45 tỉ USD, cán cân thương mại thặng dư khoảng 200 triệu USD.
Mặc dù không tích cực bằng tháng 6 nhưng lũy kế bảy tháng đầu năm 2019, tổng vốn FDI giải ngân là 10,55 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước và cán cân thương mại thặng dư 2,06 tỉ USD.
Thêm vào đó là các giao dịch bán vốn, phát hành quốc tế thành công giúp gia tăng nguồn cung ngoại tệ trong tháng.
Nhờ vậy, dù USD tăng giá khá mạnh trên thị trường quốc tế nhưng VND là một trong số ít các đồng tiền tăng giá trong tháng qua. Ngay từ đầu tháng, tỉ giá USD/VND đã giảm xuống dưới tỉ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước là 23.200 đồng/USD và tiếp tục giảm xa mốc này.
Tỉ giá giảm sâu khiến một phần nguồn ngoại tệ tích lũy từ tháng 6 đã được bán về Ngân hàng Nhà nước, giúp gia tăng dự trữ ngoại hối. Như vậy, riêng trong tháng 7, VND đã tăng giá 0,52% so với USD và tính chung cả tháng 6 và 7 đã tăng giá 0,94%, bù lại toàn bộ mức mất giá 0,89% của đợt sóng tháng 5 khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết sau khi đã tăng 0,5% trong tháng 6, VND đã kéo dài đà tăng thêm 0,4% so với đồng USD trong tháng 7, giao dịch xung quanh mốc 23.205 đồng tính đến ngày 31-7.
Tính từ đầu năm, VND trượt giá 0,13%. Vào đầu tháng 8, đồng nhân dân tệ đã vượt ngưỡng tâm lý 7 nhân dân tệ đổi 1 USD, có thể sẽ tạo ra áp lực cho đồng VND.
Tuy nhiên, Bản Việt kỳ vọng đồng VND sẽ được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI, FII và xuất khẩu ổn định. Và duy trì dự báo đồng VND sẽ mất giá trong khoảng 2% trong năm 2019.