Tiếp tay cho ma túy "đá" là đến... nhà giam!

Những lời bộc bạch này nghe qua tưởng chừng như không có gì, song "cơn lốc" công cụ tiếp tay cho các cuộc chơi… mất người trong một bộ phận dân chơi là giới trẻ đang thực sự đáng báo động.

"Công nghệ số" và hiểm họa chực chờ

Có đi thâm nhập thực tế, tiếp xúc với dân chơi sử dụng ma túy tổng hợp "đá", "kẹo", "nước biển GHB" hay "bùa lưỡi LSD" (những tên gọi của dân chơi dùng cho ma túy tổng hợp tồn tại ở các dạng thức khác nhau), mới thấy được "cơn lốc" công cụ giúp sức cho các cuộc ăn chơi trác táng này đang nhức nhối thế nào.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Khu - Trưởng phòng 4, Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), thời gian trở lại đây, tình trạng mua bán các công cụ tiếp tay cho dân chơi sử dụng ma túy tổng hợp đang diễn tiến phức tạp. Hoạt động kinh doanh, tiếp tay này đang thực sự đáng lên án. Nó giống với việc tiếp tay, tạo "cầu nối" cho dân chơi với ma túy tổng hợp. Để ngăn chặn tình trạng trên, các cơ quan chức năng hữu quan cần phối hợp hơn nữa trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, tiếp tay vi phạm.

Báo CAND đã hơn một lần có phóng sự phản ánh về các cuộc chơi dạng này. Và thực tế hiện nay đang cho thấy, đối với dân "đập đá" - sử dụng ma túy dạng "đá", thứ nhạc "công nghệ số" mang tên I-Dosing đang trở nên không thể thiếu được trong các cuộc ăn chơi của một bộ phận giới trẻ.

Theo dân chơi Q. "đen", 28 tuổi, nhà ở quận Tây Hồ (Hà Nội), để các thành viên trong tổ "đập đá"… "ngáo" nhanh, trong mỗi lần thác loạn, nhóm của Q. luôn "sắm" theo đĩa nhạc Nonstop chế theo dòng "I-Dosing". Loại nhạc này được nhóm Q. coi như một chất "xúc tác" giúp làn khói ảo "đá" nhanh làm dân chơi phê, "ngáo" đá nhanh hơn. Như thể chứng minh, Q. "đen" liền mở chiếc máy điện thoại Iphone 4 mới cáu cạnh và mở nhạc.

Thật đúng! Những âm thanh hỗn tạp. Sự va đập giữa các thanh điệu. Loại nhạc này nghe qua, tôi thấy thật rùng rợn và lạnh người. Và có lẽ đây cũng chính là lý do vì sao mà dân "đập đá" lại thích nghe loại nhạc này trong mỗi cuộc chơi… mất người đến vậy. Thêm nữa, có một đặc điểm chung cố hữu khác đó chính là, dân "đập đá" thích sử dụng ma túy nơi không gian yên tĩnh, nghe nhạc du dương pha lẫn rùng rợn. Đặc điểm này khác với dân "bay lắc" thích nhạc mạnh nơi vũ trường, quán karaoke sầm uất.

Cũng vì cái lạ. Sự đồn thổi. Cách tâng bốc về "ma lực" của thứ nhạc chế theo dòng I - Dosing này mà thời gian trở lại đây, hiệu ứng của nó còn ảnh hưởng nhất định tới nhiều diễn đàn, trang mạng Internet. Chỉ cần vào thanh công cụ tìm kiếm google.com.vn tra các từ khóa có liên quan, không khó để bắt gặp các trang mạng, diễn đàn cung cấp, phát tán dòng nhạc có phần lên án này. Trên nhiều diễn đàn, dân chơi là giới trẻ còn gọi nó là "nhạc ma túy". Đi kèm là những lời bình phẩm nghe qua đã thấy được mức độ tác hại của nó. Điển hình như trang mạng www.buonmath...

Ở dưới đường link một bản nhạc I- Dosing là các bình phẩm đại loại như: "phê không các bạn", "đập đá mà nghe nó chỉ có… ngáo luôn", "hút bồ đà còn phê hơn" v.v… Chưa hết, để kinh doanh thu lời, một số dân chơi còn thản nhiên rao bán đĩa nhạc "nhạc ma túy, I-Dosing". Điều này cho thấy, một bộ phận dân chơi là giới trẻ đang truyền tay công cụ, tiếp tay cho các cuộc ăn chơi trác táng, sử dụng ma túy tổng hợp.

Tìm hiểu, chúng tôi được hay, thứ nhạc chế theo dòng "I-Dosing" hay còn gọi là "nhạc ma túy" này có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Cùng với sự lan truyền của hiểm họa ma túy tổng hợp, thứ nhạc này đã và đang trở thành thứ công cụ tiếp tay đáng sợ. Những dân chơi sưu tầm, chế nhạc hay kinh doanh bán cho dân chơi sử dụng ma túy tổng hợp thật đáng phê phán và phải bị ngăn chặn.

Hành vi tiếp tay phải bị xử lý nghiêm

Sự thật đến nay, việc trao đổi mua bán dụng cụ sử dụng ma túy "đá" như: bình "ục", "coóng"… đang diễn ra khá nhức nhối. Các "đầu nậu" kinh doanh thứ sản phẩm chết người này vì tư lợi không ngần ngại nhập hàng và "tuồn" ra thị trường dân chơi ma túy tổng hợp.

Tiếp tay cho ma túy "đá" là đến... nhà giam! ảnh 1 
Chiếc “coóng” này được “đầu nậu” ở khu vực ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ bán với giá 70 ngàn đồng.

Cách đây không lâu, khi theo chân T. "gà" (Báo CAND đã có bài phản ánh) thâm nhập thị trường buôn bán dụng cụ "đập đá", tôi đã tận mắt thấy "đầu nậu" bán bình "ục", "coóng" tại khu vực ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ hoạt động tinh vi thế nào. Chỉ cần thấy dân chơi táp xe và có nhu cầu mua "coóng", bình "ục" là y như rằng "đầu nậu" - một phụ nữ tuổi ngoài 40 này không ngần ngại "tiền trao, hàng gửi" bất luận đó là hành vi vi phạm pháp luật. Giá của một bộ "coóng" bằng thủy tinh có chiều dài khoảng 20cm ở đây là 70 ngàn đồng.

Cuộc mua bán diễn ra khá chóng vánh ngay tại vỉa hè tuyến phố. Đáng bàn, để ngừa lực lượng chức năng, "đầu nậu" kinh doanh "đồ đập đá" thường để thứ công cụ nguy hại này vào trong các bao phong bì thư. Khi nhận đủ tiền, không phát hiện nghi vấn, hàng mới trao - đó là công thức bất di, bất dịch của các "đầu nậu" kinh doanh mặt hàng này.

Không chỉ kinh doanh trên các tuyến phố, thời gian qua, các "đầu nậu" còn sử dụng cả mạng Internet, diễn đàn trang mạng để chào hàng, kinh doanh bình "ục", "coóng" đập đá. Tại trang: www.camp..., nick name xxx-dance số điện thoại 0983016xxx thản nhiên rao bán "Rao hộ ông anh. Ai cần mua coóng đập đá. Giá của nó là 200 ngàn đồng/cái". Đáng chú ý, đi kèm còn có lời giới thiệu nghe qua, ai cũng phải lắc đầu vì độ công khai chào hàng "đồ đập đá" của "đầu nậu" này: "Hàng bằng thủy tinh, có xuất xứ từ nước ngoài. Hàng xách tay xịn 100%". Vậy là, thị trường kinh doanh bình "ục", "coóng" đập đá đang diễn ra khá nhộn nhịp và nhức nhối.

Trở lại những cuộc chơi của dân "đập đá". Cùng với việc chọn địa điểm để thác loạn, các "phu trưởng" - dân chơi đứng ra tổ chức thác loạn luôn "sắm" đồ nghề “đập đá”: bình "ục", "coóng"… với mục đích sử dụng cho việc đựng "đá", tạo làn khói ảo (sau quá trình nung nóng, đốt cháy "đá" tinh thể) để các thành viên trong nhóm hút trực tiếp.

Đặc điểm càng cho thấy, việc ngăn chặn "cơn lốc" tiếp tay cho các cuộc ăn chơi thác loạn của dân chơi sử dụng ma túy tổng hợp đang là vấn đề đáng lưu tâm. Điều 196, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định rõ: Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm; còn nếu hành vi có tổ chức, tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm…
  

Theo Hoàng Tuấn (CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm