Mô hình này mang tên “Ban quản lý và khai thác cảng” (điều 142 dự thảo luật) thay cho “Chính quyền cảng biển” được cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất trước đây, nhưng đã bị yêu cầu sửa lại vì dễ gây nhầm lẫn chức năng với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tại phiên họp này, tên gọi “Chính quyền cảng biển” vẫn tiếp tục được đề xuất, vì tên gọi “Ban quản lý” nghe… hơi "yếu".
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, có hai loại ý kiến về việc thành lập Ban quản lý và khai thác cảng. Ý kiến tán thành cho rằng mô hình này tạo bước đột phá để tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển, khắc phục những hạn chế về đầu tư manh mún, khai thác không hiệu quả như một số cảng biển hiện nay. Đây cũng là mô hình thành công của nhiều nước trên thế giới.
Ý kiến không tán thành thì lo lắng có thể xảy ra chồng chéo trong quản lý nhà nước của Cảng vụ hàng hải và chính quyền địa phương.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân cũng băn khoăn “liệu có sự chồng lấn, thừa cơ quan quản lý Nhà nước hay không?”
Ông Ngô Đức Mạnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại cũng đặt câu hỏi: “Ban quản lý và khai thác cảng có đồng nhất với chính quyền địa phương không? Mối quan hệ địa phương như thế nào?
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay: “Mô hình Ban quản lý và khai thác cảng hoàn toàn độc lập với các cảng vụ. Mô hình này có chức năng nhiệm vụ chính là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Còn Cảng vụ làm nhiệm vụ quản lý, cấp phép cho tàu ra, tàu vào cảng”.
Trước giải trình này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thắc mắc: “Tôi chưa rõ chỗ Ban quản lý khai thác cảng. Ta phải tách bạch quản lý nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp. Tránh trường hợp đá bóng thổi còi”. Theo ông Phúc vấn đề quy hoạch còn liên quan đến quản lý của chính quyền địa phương nên rất khó. Đề nghị Ban quản lý khai thác cảng chỉ làm chức năng của mình thôi, nếu làm cả đầu tư, quản lý thì chồng lên chức năng của nhà nước. “Đây là vai nhà nước, anh là doanh nghiệp nhà nước mà làm thế thì cũng không được. Tốt nhất, để quản lý hiệu quả thì nên tách ra. Ban quản lý cảng chỉ khai thác, còn quản lý đầu tư thì phải do nhà nước làm”, ông Phúc nói.
Bộ trưởng Thăng giải thích thêm: Ban quản lý và khai thác cảng sẽ khắc phục được tồn tại là cùng một khu vực mà đầu tư dàn trải, manh mún, sự liên kết giữa các cảng không có, làm ăn không hiệu quả dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Và trong phạm việc quản lý trong phạm vi cảng biển lúc này sẽ do Ban quản lý khai thác cảng biển quyết định chứ không phải chính quyền địa phương.
“Có 1 DN quản lý toàn bộ việc này để đầu tư hiệu quả hơn. Dịch vụ hậu cần sau cảng quá kém dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, manh mún, nếu có Ban quản lý khai thác cảng thì kết nối hoàn toàn, toàn bộ vùng đó quy định cụ thể thế nào thì chỉ được đầu tư khai thác ở đó thôi”, ông Thăng nói.
Thay mặt cho cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị: “Sẽ tập trung làm rõ hơn mối quạn hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với các cơ quan T.Ư, địa phương khác, đồng thời xác định nhiệm vụ pháp lý của nó. Tuy nhiên, xin Thường vụ Quốc hội mạnh dạn cho sử dụng khái niệm chính quyền cảng để bao quát hết việc này vì khái niệm Ban quản lý và khai thác cảng vừa dài vừa không thể hiện rõ”
Tại phiên họp, Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm cho rằng, nội dung hoạt động hàng hải rất rộng nhưng phạm vi điều chỉnh của dự luật chỉ giới hạn nên phần lớn vấn đề liên quan an ninh hàng hải chưa được điều chỉnh.“Nhiều vấn đề trên biển hiện nay chưa được luật điều chỉnh nên chúng tôi thấy khó khăn như việc bắt giữ. Tổ chức chống cướp biển, cướp có vũ trang khu vực châu Á xếp Việt Nam ở vị trí thứ 3 trong châu Á về cướp có vũ trang. Điều đó cho thấy vấn đề an ninh liên quan đến hàng hải rất đáng quan tâm”, ông Đạm nói. Theo ông Đạm, rất nhiều hoạt động liên quan an ninh hàng hải diễn ra ngoài lãnh hải mà trong Công ước Luật biển không điều chỉnh, giao quyền đó cho quốc gia ven biển thì luật pháp của chúng ta vẫn còn bỏ ngỏ như: vấn đề buôn bán dầu trên biển; quy định tạm giữ tàu khi xảy ra tranh chấp… |