VỤ “TỐ CÁO THẨM PHÁN NGAY TẠI PHIÊN XỬ”

Tiếp tục khiếu nại tòa ngâm án chưa xử

Liên quan đến vụ “Tố cáo thẩm phán ngay tại phiên xử” (báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin), ngày 13-11, ông Trịnh Minh Lộc, nguyên đơn trong vụ tranh đất, đã gửi đơn yêu cầu đưa vụ án ra xét xử vì tòa ngâm quá lâu.

Ông Lộc tố cáo Thẩm phán Trần Thị Thiên Hương (nguyên phó chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh Hậu Giang) ngay tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23-7 vì cho rằng thẩm phán không khách quan. Ông L. đã nộp cho HĐXX băng ghi âm và đơn tố cáo Thẩm phán Hương để chứng minh cho sự tố cáo của mình…

Thẩm phán Hương sau đó đã bị kỷ luật Đảng và cách chức phó chánh Tòa Dân sự. Riêng vụ án của ông Lộc tới nay vẫn chưa được tòa đưa ra xét xử nên ông đã làm đơn yêu cầu như trên... Ông Lộc mong muốn TAND tỉnh Hậu Giang sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định vì tòa đã thụ lý hơn một năm và nhiều lần hoãn phiên tòa.

Ông Liêng Quang Thắng, Chánh án TAND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Tòa sẽ bố trí thẩm phán khác thụ lý vụ án, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để tiến hành xác minh bản di chúc của mẹ ông Lộc. Sau khi xác minh, tòa sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử”.

Tiếp tục khiếu nại tòa ngâm án chưa xử ảnh 1

Vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Lộc và bị đơn là bà Trịnh Thị Duyên đã được TAND huyện Long Mỹ xử sơ thẩm trước đó. Theo ông Lộc, ông và bà Duyên là chị em ruột, năm 2004, mẹ ông để lại di chúc cho ông hưởng toàn bộ 14.000 m2 đất. Di chúc của mẹ ông được chứng thực hợp pháp. Sau khi mẹ qua đời, năm 2006, ông làm thủ tục nhận thừa kế theo quy định. Trong diện tích đất ông được hưởng thừa kế có ngôi nhà tạm mà bà Duyên ở và bà phá bỏ nhà này để xây dựng nhà kiên cố. Ông không đồng ý và nhiều lần đòi bà Duyên trả lại đất nhưng bà không chấp nhận.

Còn bà Duyên cùng các đồng thừa kế khác không biết mẹ lập di chúc và lúc lập di chúc mẹ không còn minh mẫn do bị bệnh thận, phải chạy thận nhiều năm… Bà Duyên yêu cầu tòa chia di sản mẹ để lại theo quy định pháp luật.

Theo án sơ thẩm, mẹ ông Lộc có di chúc để lại toàn bộ tài sản cho ông nhưng các đồng thừa kế khác không ký tên nên di chúc không có giá trị về mặt pháp lý, ông Lộc đòi lại đất là không có cơ sở. Tòa tuyên chia đều di sản thừa kế của mẹ ông Lộc cho năm anh chị em.

Sau đó ông Lộc kháng cáo, đồng thời VKS đồng cấp cũng kháng nghị vì theo quy định tại Điều 113 Luật Đất đai, cá nhân có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mẹ ông Lộc đã để lại cho ông Lộc. Bản di chúc này được chứng thực hợp pháp, không bắt buộc phải có mặt các chị em ông Lộc để ký tên. TAND huyện Long Mỹ cho rằng bản di chúc của mẹ ông Lộc không hợp pháp và bác yêu cầu khởi kiện của ông Lộc là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm