Sáng 26-7, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đã đọc tờ trình trước QH về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Lùi trình dự án Luật Biểu tình: Do còn nhiều ý kiến khác nhau
Đáng chú ý, theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH, dự án Luật Biểu tình (Chính phủ đề nghị cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4) đã bị lùi lại. Lý do bởi “quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ” nên chưa đủ cơ sở để báo cáo QH đưa dự án này vào chương trình.
Trước đó, dự án luật này cũng đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án Luật khó, lại chưa có thực tiễn, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng biểu tình cần phải được hiểu theo nghĩa rộng là việc tụ họp hòa bình. Ông Nghĩa đề xuất đưa dự án luật này vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua vào kỳ họp thứ 5.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng nếu giao cho Bộ Công an trực tiếp soạn thảo dự án luật này là làm khó cho Bộ Công an, vì bộ này trực tiếp quản lý công tác an ninh trật tự. “Nên giao cho Bộ Tư pháp trực tiếp soạn thảo, Bộ Công an tổ chức phản biện” - ông Xuyền nói.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cho biết hồ sơ về dự án luật này chưa có nên chưa có cơ sở đưa vào chương trình trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV như đề nghị của Chính phủ.
"Nhiều đạo luật gần đây vẫn còn sai sót"
Trước đó, đánh giá về những hạn chế của tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua, ông Nguyễn Khắc Định nói: “Hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục”.
Cụ thể, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh thường xuyên; số lượng các dự án đưa vào chương trình còn nhiều, trong một số trường hợp vượt quá khả năng của cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý; quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống, vẫn mang tính nguyên tắc chung, nên hiệu quả điều chỉnh, tính khả thi chưa cao...
“Cá biệt có văn bản vẫn còn sai sót phải lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi” - ông Định nhấn mạnh.
Đại biểu Ngô Văn Minh.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng nhiều đạo luật được thông qua tại QH hai khóa gần đây có nhiều sai sót. Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Ngân sách nhà nước...
ĐB Quảng Nam cũng đề nghị trong thời gian tới cần phải đưa vào chương trình xác định rõ trách nhiệm của việc này.
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cũng kiến nghị từ sai sót của BLHS 2015 cần xem xét, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng luật.
“Cần huy động trí tuệ của tất cả ĐBQH. Nếu không phải ĐB tham gia thẩm tra dự án luật thì ít có cơ hội tham gia góp ý kiến vào các dự án luật này” - ông Cương nói.
“Các dự án luật được gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH. Nhiều đoàn làm rất nghiêm túc nhưng ý kiến nhiều khi cũng không được tiếp thu” - ông Cương bức xúc.