Tiếp tục thí điểm công nghệ nhận diện khuôn mặt tại số 1 sân bay

(PLO)- Cục Hàng không Việt Nam dự kiến sẽ thí điểm thêm đối với các luồng hành khách có tỷ lệ sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) cao, tại một số cảng hàng không có lưu lượng hành khách không đông để tránh ùn tắc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Cục C06, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan, đơn vị liên quan đã thực hiện thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc học đối với hành khách đi chuyến bay nội địa tại sân bay Cát Bi (từ 1-2).

Theo dự kiến, các đơn vị sẽ tiếp tục thí điểm ở một số cảng hàng không khác để bảo đảm việc thí điểm toàn diện, sau đó đưa ra phương án tối ưu áp dụng tại các sân bay.

Sẽ đem lại nhiều tiện ích cho hành khách

Về thí điểm công nghệ sinh trắc học tại sân bay, Cục HKVN đánh giá hiện nay, tuy chưa phổ biến, nhưng nhiều nước trên thế giới đã triển khai áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc học làm thủ tục đối với hành khách đi máy bay, như sân bay Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Warsaw Chopin (Ba Lan), Heathrow (Anh), …

Theo nhà chức trách hàng không, việc áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc học hứa hẹn đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho hành khách, các doanh nghiệp hàng không và cơ quan Nhà nước.

Cụ thể là giảm tiếp xúc trực tiếp giữa hành khách với nhân viên hàng không. Giảm tổng thời gian làm thủ tục của hành khách, tăng hiệu quả phục vụ hành khách, tăng cường chất lượng dịch vụ hàng không. Còn đối với các doanh nghiệp ngành hàng không thì tiết kiệm nhân lực lao động.

Xét ở góc độ trật tự an toàn xã hội, việc xác thực giấy tờ tuỳ thân và hành khách (người mang giấy tờ tuỳ thân) rất chính xác, là giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.

Sân bay Cát Bi, Hải Phòng thí điểm xác thực sinh trắc học đối với hành khách bay chuyến nội địa. Ảnh: ACV

Sân bay Cát Bi, Hải Phòng thí điểm xác thực sinh trắc học đối với hành khách bay chuyến nội địa. Ảnh: ACV

Cục Hàng không phân tích, do ngành hàng không là ngành kinh tế kỹ thuật, có các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình nghiêm ngặt về an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ. Do đó, để đảm bảo triển khai thực hiện Đề án 06 (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”) hiệu quả, bền vững thì các bước thực hiện phải rất bài bản, khoa học, phù hợp thực tế, áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo phù hợp lợi ích hợp pháp của hành khách, doanh nghiệp.

Vì vậy, từ giữa năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - cơ quan quản lý Nhà nước về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử) – Bộ Công an đã khẩn trương trao đổi, thống nhất đưa ra các định hướng về lộ trình triển khai thực hiện trong ngành hàng không: Trước khi áp dụng chính thức, cần tiến hành thực nghiệm, thí điểm đầy đủ; quá trình thí điểm các cơ quan nhà nước phải tích cực, chủ động vào cuộc, đồng hành cùng doanh nghiệp, bám sát việc thí điểm; thường xuyên đánh giá hiệu quả, công nghệ, quy định, quy trình để hoàn thiện giải pháp ứng dụng.

Lựa chọn công nghệ tiên tiến

Đại diện Cục HKVN cho biết việc thí điểm giai đoạn đầu thực hiện ở chuyến bay nội địa, thí điểm nhận diện khuôn mặt (mắt), chưa thí điểm sử dụng vân tay; thí điểm tại điểm kiểm tra An ninh hàng không, chưa thí điểm toàn trình (từ quầy làm thủ tục check-in – điểm kiểm tra An ninh hàng không – cửa boarding).

Mặc dù đã điều chỉnh, cải tiến, tuy nhiên thời gian xác thực vẫn còn dài và cần phải tính toán để tiếp tục rút ngắn. Việc thí điểm là hết sức cần thiết, quá trình thí điểm mới làm rõ, cụ thể ra những nhiệm vụ cần giải quyết, nhất là về kỹ thuật.

Mục tiêu cần đáp ứng yêu cầu toàn trình, đồng bộ, liên thông. Hiện nay, chỉ riêng CCCD đã có nhiều loại như: CMND 12 số, CCCD 12 số chưa gắn chip, CCCD 12 số đã gắn chip; hoặc giấy tờ tương đương đối với những người chưa đủ tuổi làm CCCD đó là Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng nhận mất CCCD. Do đó, phải tính toán để áp dụng nhiều giải pháp tương ứng. Việc ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử cần có các quy định pháp lý hết sức chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể.

Cục HKVN dự kiến sẽ thí điểm thêm đối với các luồng hành khách có tỷ lệ sử dụng thẻ CCCD cao (ví dụ luồng hành khách hạng thương gia), tại một số cảng hàng không có lưu lượng hành khách không đông để tránh ùn tắc.

Đối với các chuyến bay quốc tế, muốn áp dụng công nghệ xác thực sinh trắc học thì cần nhiều yêu cầu.

Cụ thể như hộ chiếu có gắn chip điện tử, hệ thống đặt giữ chỗ của hãng hàng không phải tương tác được với công nghệ xác thực sinh trắc học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm