Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) yêu cầu Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở rộng phạm vi thí điểm, bảo đảm tính đồng bộ, thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học khi hành khách làm thủ tục đi chuyến bay nội địa.
Thí điểm để nhân rộng ra 22 sân bay
Tháng 10-2022, Cục HKVN đã họp với ACV, các hãng HKVN, các công ty phục vụ mặt đất và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an về chủ trương ứng dụng CCCD gắn chip điện tử đối với hành khách trên một số chuyến bay nội địa trước khi đưa ra quyết định ứng dụng chính thức tại 22 sân bay trên cả nước.
Sân bay Cát Bi thí điểm nhận diện khuôn mặt. Ảnh: ACV |
Theo đó, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi, Hải Phòng là cảng hàng không đầu tiên triển khai thí điểm. Từ đầu tháng 2-2023, Cảng HKQT Cát Bi đã triển khai thí điểm một làn riêng dành cho hành khách đi máy bay nội địa có sử dụng CCCD điện tử. Giai đoạn tiếp theo sẽ nghiên cứu phát triển thiết bị kiểm tra tự động, không cần có sự kiểm soát của nhân viên an ninh hàng không nhằm tiết giảm nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không.
Đại diện ACV cho biết phần mềm VeriPAX do ACV tự phát triển, hiển thị đầy đủ thông tin đọc được từ CCCD, thông tin về hành trình, có kết nối với danh sách hành khách đã làm thủ tục hàng không để đối sánh. Bên cạnh đó, phần mềm VeriPAX cũng có kết nối với cơ sở dữ liệu danh sách cấm bay của Cục HKVN để nhanh chóng nhận diện hành khách có nằm trong “danh sách đen” này hay không.
Ngoài ra, phần mềm VeriPAX có tính năng cảnh báo cho người sử dụng trong trường hợp hành khách cần kiểm tra trực quan hành lý ký gửi; có thể kiểm soát hành khách sử dụng các loại giấy tờ tùy thân khác, không sử dụng CCCD điện tử.
Sau Cảng HKQT Cát Bi, Cục HKVN cũng yêu cầu Cảng HKQT Vân Đồn triển khai thí điểm xác thực sinh trắc học trong quý I-2023 và báo cáo cục phương án thí điểm.
Sau Cảng HKQT Cát Bi, Cục HKVN cũng yêu cầu Cảng HKQT Vân Đồn triển khai thí điểm xác thực sinh trắc học trong quý I-2023 và báo cáo cục phương án thí điểm.
21 sân bay đang chuẩn bị gì?
Trao đổi với PV, đại diện các sân bay nhận xét nếu dữ liệu kết nối tốt với các hãng hàng không, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, áp dụng thiết bị kiểm tra tự động sẽ không cần có sự kiểm soát của nhân viên an ninh hàng không, giảm nguồn nhân lực, cải thiện hiệu quả phục vụ hành khách, tăng trải nghiệm của khách hàng.
Ông Hoàng Văn Thư, Giám đốc Cảng HKQT Vinh, Nghệ An, cho biết hiện cảng đang chờ kết quả thí điểm tại Cảng HKQT Cát Bi, sau đó nếu ACV bấm nút yêu cầu triển khai, cảng sẽ triển khai để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của khách hàng.
Tương tự, đại diện sân bay Phú Quốc cũng nhìn nhận đây là công nghệ tiên tiến, nếu áp dụng tại các sân bay đông đúc khách sẽ hạn chế nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi làm thủ tục và lên máy bay, giảm nguồn nhân lực, nâng cao dịch vụ và kiểm soát tốt an toàn, an ninh tại cảng hàng không.
Lãnh đạo một sân bay ở miền Trung cũng chia sẻ nếu kết nối đồng bộ dữ liệu lõi, trong đó bao gồm dữ liệu từ các hãng hàng không, phục vụ mặt đất và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đổ sang sẽ giải quyết rất tốt đầu vào và đầu ra tại các sân bay.
Theo vị lãnh đạo này, hiện tại thí điểm tại Cảng HKQT Cát Bi, mới chỉ giải quyết ở khâu kiểm tra an ninh nên chưa mang lại hiệu quả cao. Điều này đòi hỏi khi triển khai trên diện rộng cần kết nối dữ liệu khách từ các hãng bay và triển khai đầu vào ngay khâu làm thủ tục, tiếp đến là khâu kiểm tra an ninh. Như vậy sẽ kết nối và đồng bộ từng chuyến bay, dù phòng chờ tại các cảng hàng không cho nhiều chuyến bay ở các khung giờ khác nhau, hạn chế khách đi khung giờ này nhầm lên chuyến bay của khung giờ khác. Đồng thời kiểm soát tốt hơn khách nằm trong “danh sách đen” đối với khách bị cấm bay.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng để triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến này khi ACV có chủ trương triển khai về toàn bộ hệ thống” - vị này nói.•
Nhân rộng ra 21 sân bay thuộc ACV
Đại diện ACV cho biết mới đây, Cục HKVN và Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã có đợt khảo sát tại Cảng HKQT Cát Bi để có cơ sở đánh giá việc kết nối dữ liệu, sau đó sẽ nhân rộng ra 21 sân bay thuộc ACV. Về lâu dài, nếu dữ liệu kết nối ổn định sẽ tiết kiệm thời gian khách làm thủ tục, hạn chế nhân viên, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cảng hàng không.
Trao đổi với PV, các hãng hàng không cho biết chưa có thông tin chính thức về việc triển khai ứng dụng sinh trắc học khi làm thủ tục tại các sân bay.
Theo đại diện hãng hàng không du lịch Vietravel Airlines, hãng mới nắm chủ trương từ Cục Hàng không, tuy nhiên vẫn chưa chính thức triển khai tại các sân bay trong quá trình làm thủ tục check-in. Còn Vietnam Airlines cho biết hãng đang phối hợp triển khai tại sân bay Cát Bi và đang chờ cơ quan chức năng hàng không đánh giá kết quả thí điểm, sau đó sẽ lên kế hoạch tổng thể để triển khai.