Tìm phương án tối ưu làm cầu vượt ngã 6 Dân Chủ

(PLO)- Chủ đầu tư đang lựa chọn phương án tối ưu để xây dựng cầu vượt thép ngã sáu Công trường Dân Chủ với chi phí thấp, không giải phóng mặt bằng và hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) đang đề xuất năm phương án xây dựng cầu vượt ngã sáu Công trường Dân Chủ (quận 3, quận 10). Trong đó, ban này cho rằng phương án 1 là tối ưu, chi phí thấp nhất và ít ảnh hưởng tới người dân nhất.

Giải quyết nút thắt giao thông ở trung tâm TP

Ngã sáu Công trường Dân Chủ hiện là điểm giao nhau giữa các trục đường chính trong nội đô TP, có mật độ xe rất đông. Đó là các tuyến đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Lý Chính Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thượng Hiền. Vì thế, nút giao thông này thường xuyên ùn tắc giao thông, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ trên, Ban giao thông đã đề xuất các phương án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao thông này. Theo Ban giao thông, dự án này đã có kế hoạch triển khai từ trước nhưng thời gian qua tạm ngưng vì thiếu vốn và vướng dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Đến nay, TP có chủ trương tái khởi động dự án và dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.

Cũng theo Ban giao thông, do các nút giao thông nằm trong khu vực nội đô, điều kiện mặt bằng chật hẹp nên cần chọn phương án tối ưu để khi thực hiện có thể đảm bảo giao thông. Theo đó, Ban giao thông đã đưa ra năm phương án xây dựng. Trong đó, ban này nghiêng về phương án 1 do chi phí giải phóng mặt bằng thấp nhất, ít ảnh hưởng tới người dân.

Cụ thể, với phương án 1, Ban giao thông đề xuất xây dựng nút giao thông bằng cầu vượt theo hướng Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai. Theo quy hoạch, trục này sẽ có hầm chui từ Võ Thị Sáu đến Ba Tháng Hai. Tĩnh không các tuyến trục chính Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai và Võ Thị Sáu là 4,75 m.

Tuy nhiên, theo quy hoạch dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), ngay tại dưới nút giao thông xây dựng hệ thống nhà ga Dân Chủ nên việc xây dựng hầm chui theo hướng này là không khả thi. Vì vậy, cần xem xét bằng phương án xây dựng cầu vượt thay thế hầm chui. Dự kiến tổng mức đầu tư là 287 tỉ đồng.

Khu vực ngã sáu Công trường Dân Chủ có lượng xe lưu thông rất lớn, thường xuyên ùn tắc giao thông. Ảnh: NHƯ NGỌC

Làm cầu vượt thép là cần thiết

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết hiện nay nút giao thông ngã sáu Công trường Dân Chủ thường xuyên bị ùn ứ. Vì vậy, việc xây dựng cầu vượt thép vào thời điểm này là vô cùng quan trọng.

Dự án không chỉ giúp giảm ùn ứ mà còn đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao trong khu vực; góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống GTVT của TP.

Từ thực tế trên, Ban giao thông đã nghiên cứu nhiều phương án. Trong đó, các phương án phải đảm bảo giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng, tránh tối đa việc di dời công trình tiện ích ngầm, nhất là hệ thống cống hộp, thoát nước và đường ống cấp nước kích thước lớn. Bên cạnh đó là phải đảm bảo mỹ quan đô thị, hạn chế ùn ứ.

Ban giao thông đề xuất giải pháp xử lý ùn tắc tại nút giao thông bằng phương án xây dựng công trình theo hướng có lưu lượng lớn hoặc các hướng có lưu lượng nhỏ nhưng gây xung đột.

Ban giao thông cho rằng hướng dọc đường Cách Mạng Tháng Tám là một trong các hướng có lưu lượng lớn. Tuy nhiên việc bố trí công trình dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám cần đảm bảo quy định về hành lang an toàn tuyến metro số 2.

“Từ các so sánh và phân tích, TP nên xây dựng nút giao thông cầu vượt trục thông một chiều từ Võ Thị Sáu đến Ba Tháng Hai. Mặt bằng phía dưới tổ chức giao thông bằng đảo xuyến tự điều chỉnh hoặc đèn tín hiệu. Trong tương lai xây dựng hoàn thiện nút giao thông theo hướng mở rộng tuyến đường trong nút giao thông theo quy hoạch.

“Hiện Ban giao thông và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh để trình Sở GTVT TP.HCM vào cuối năm 2023. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai và hoàn thành dự án trong giai đoạn 2023-2026” - ông Phúc nhấn mạnh.

Đại diện Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R (đơn vị tư vấn nghiên cứu nhiều dự án giao thông) nhận định cầu vượt thép tại TP.HCM đã triển khai và thực sự mang lại hiệu quả trong những năm qua. Nhiều vòng xoay vốn bị ùn ứ đã được cầu vượt thép giải quyết như các cầu vượt Hàng Xanh, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám...

Sở dĩ TP chọn làm cầu vượt thép là chi phí đầu tư thấp, thời gian hoàn thành chỉ mất vài tháng và giải quyết ngay tình trạng ùn ứ. Tuy nhiên, với ngã sáu Công trường Dân Chủ, vấn đề ưu tiên là làm nhánh nào trước. Ngành giao thông TP và đơn vị tư vấn dự án cần rà soát kỹ lưu lượng xe để đánh giá mức độ ưu tiên, giải quyết ùn ứ hiệu quả.•

Bốn phương án còn lại

Phương án 2: Xây dựng nút giao thông cầu vượt chữ Y theo hướng đường Ba Tháng Hai - Võ Thị Sáu và Nguyễn Phúc Nguyên - Ba Tháng Hai. Dự kiến tổng mức đầu tư là 749 tỉ đồng.

Phương án 3: Xây dựng nút giao thông cầu vượt chữ Y kết hợp với đảo xuyến tầng 2 theo các hướng Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai và Ba Tháng Hai - Lý Chính Thắng. Dự kiến tổng mức đầu tư là 392 tỉ đồng.

Phương án 4A: Xây dựng nút giao thông cầu vượt với ba nhánh cầu: Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai, Ba Tháng Hai - Lý Chính Thắng và Nguyễn Phúc Nguyên - Ba Tháng Hai (chiều dài 722 m). Dự kiến tổng mức đầu tư là 938 tỉ đồng.

Phương án 4B: Xây dựng nút giao thông cầu vượt với hai nhánh cầu Võ Thị Sáu - Ba Tháng Hai, Ba Tháng Hai - Lý Chính Thắng và đảo chiều giao thông đường Nguyễn Phú Nguyên (chiều dài 641 m). Dự kiến tổng mức đầu tư là 938 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới