Trang tin RT đưa tin hình ảnh của mảnh thiên thạch kim loại nhẵn thín “Đá trứng” được robot Curiosity ghi lại vào này 31-10 khi đang leo lên đỉnh núi Mout Sharp ở sao Hỏa.
Robot Curiosity tiếp cận và chụp ảnh cận cảnh cấu trúc của mảnh thiên thạch bằng thiết bị ChemCam Remote Micro-Imager để các nhà khoa học NASA phân tích thành phần.
Thiên thạch kim loại có bề mặt nhẵn thín vừa được tìm thấy trên sao Hỏa. Ảnh: NASA
Qua phân tích, họ cho rằng mảnh thiên thạch gồm chủ yếu hợp kim sắt-niken, có nguồn gốc từ lõi của một thiên thể trong vành đai tiểu hành tinh.
Bề mặt thiên thạch nhẵn thín và có các rãnh sâu cho thấy mảnh thiên thạch đã bị làm tan chảy khi nó tiếp cận khí quyển của sao Hỏa, sau đó bị “đông cứng” lại khi va chạm với bề mặt sao Hỏa.
Thiên thạch rất phổ biến trên hành tinh đỏ do sao Hỏa có khí quyển mỏng và nằm gần vành đai tiểu hành tinh.
"Người tiền nhiệm" của robot Curiosity là Spirit Rover đã tìm thấy nhiều mảnh thiên thạch trong suốt phi vụ sao Hỏa. Trong khi đó, cách đây hai năm robot Curiosity tìm thấy mảnh thiên thạch kim loại đầu tiên được đặt tên là Lebanon.
Cận cảnh thiên thạch "Đá trứng". Ảnh: NASA
Thiên thạch Lebanon ước chừng rộng khoảng 2 m, lớn hơn nhiều so với “Đá trứng”.
Robot Curiosity đáp xuống sao Hỏa vào năm 2012 để thực hiện phi vụ xác định liệu sao Hỏa có khả năng hỗ trợ sự sống của vi sinh vật hay không. Curiosity đang di chuyển quanh chân núi Sharp và tiếp tục hành trình tìm kiếm bằng chứng về sự sống của hành tinh đỏ.