Là doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu gần như 100% sang Trung Quốc (TQ) nên khi xảy ra dịch Corona, Công ty Việt Á Agrifood gặp rất nhiều khó khăn. Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Dù có kinh nghiệm nhiều năm chinh chiến, đối mặt với những thăng trầm tại thị trường TQ nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cũng chùn bước”.
Lao đao vì virus Corona
. Phóng viên: Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra đang hoành hành khiến tình hình tiêu thụ nông sản từ Việt Nam (VN) sang TQ vấp phải nhiều trở ngại lớn. Đáng chú ý, một số cửa khẩu đã đóng cửa giao dịch mua bán một thời gian. Vậy thông tin mới nhất về hàng hóa xuất khẩu của VN tại biên giới lúc này ra sao, thưa ông?
+ Ông Đỗ Ngọc Chất: Tính tới thời điểm này, số xe container chở nông sản của VN đang nằm chờ thông quan tại cửa khẩu lên tới hàng trăm xe. Hiện số xe container tiếp tục lên cửa khẩu biên giới không còn nhiều sau khi nghe thông báo VN và TQ đều siết chặt thông quan để ngăn chặn dịch Corona. Điều này khiến lượng nông sản, hoa quả xuất nhập khẩu qua TQ giảm mạnh.
. Công ty của ông chắc thiệt hại không ít do hàng hóa ách tắc tại cửa khẩu, không bán được hàng?
+ Thiệt hại rất nhiều. Nhưng không chỉ công ty tôi mà hầu hết các đơn vị xuất khẩu VN, nhất là trái cây, rau quả tươi sang TQ đều bị thiệt hại vì ách tắc hàng ở cửa khẩu.
Đơn cử như thanh long tươi nếu 10 ngày nữa vẫn để trong container mà không thông quan giao hàng được thì nó sẽ hỏng, phải đổ bỏ. Trung bình mỗi container thanh long của doanh nghiệp trị giá khoảng 400 triệu đồng. Hiện container đang nằm chờ ở cảng Hải Phòng, không thể giao hàng qua TQ.
. Như vậy, người trồng thanh long trong nước nói riêng và nông sản cũng chịu chung số phận?
+ Đúng vậy, thanh long loại một xuất khẩu được đặt mua trước tết với giá từ hơn 35.000 đến 37.000 đồng/kg. Song hiện nay, dù giá thanh long rẻ bèo nhưng thương lái, doanh nghiệp cũng không dám lấy hàng. Hiện thanh long không có ai mua, các thương lái cũng chấp nhận mất cọc.
Bên TQ, các thương nhân của họ cũng thông tin chính quyền nước này đang phong tỏa đường sá, cửa khẩu nên họ chưa có kế hoạch mua hàng vì lo ngại không tiêu thụ được. Rất nhiều bạn hàng của công ty tôi đã hủy đơn hàng. Ví dụ, nhiều bạn hàng TQ đã hủy đơn hàng mua thanh long từ các tỉnh miền Tây và Bình Thuận.
Ông Đỗ Ngọc Chất: “Chúng tôi đành tạm ngưng hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vì dịch Corona”. Ảnh: QUANG HUY
Bài học “bỏ hết trứng vào một giỏ”
. Nhiều năm xuất khẩu sang TQ và cũng hiểu thị trường này, đó là nhu cầu cao nhưng rủi ro cũng rất lớn. Vậy tại sao công ty ông vẫn chọn “bỏ hết trứng vào một giỏ”, chỉ xuất sang thị trường TQ?
+ Đúng là mặt hàng trái cây của chúng tôi gần như 100% xuất sang TQ, thị trường lớn nhưng rủi ro cũng nhiều. Đặc biệt vài năm trở lại đây, thị trường này có nhiều biến động bởi ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ; TQ phá giá đồng nội tệ; siết tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cấp phép chặt chẽ… Điều này khiến nông sản VN không dễ vào được thị trường TQ.
Quả thật tôi cũng đã nếm nhiều thất bại khi chỉ phụ thuộc vào mỗi một thị trường TQ. Đặc biệt, nay với việc hàng hóa bị tắc vì cửa khẩu đóng do dịch Corona, doanh nghiệp tôi đành phải tạm ngừng hoạt động.
. Nhưng thưa ông, câu chuyện kinh doanh không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ” vì rủi ro lớn, mất sạch… ai cũng biết?
+ Cũng có nhiều cái khó đối với từng doanh nghiệp. Thứ nhất, TQ là thị trường gần nhất, nhanh nhất. Thứ hai, đa số doanh nghiệp Việt đều vừa và nhỏ, không đủ mạnh để đầu tư làm hàng trái cây chế biến sâu tạo nên các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, dẫn đến chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi. Mà làm trái cây tươi thì lo nhất bảo quản không được lâu nên xuất khẩu sang các thị trường xa như châu Âu, Nga… thì phải đi hàng không mới nhanh, chi phí cao.
Đó là lý do thấy rủi ro nhưng vẫn nhiều công ty lựa chọn thị trường TQ là chính, thậm chí phụ thuộc gần như hoàn toàn. Khi thị trường này gặp vấn đề là điêu đứng ngay.
Chấp nhận thiệt hại, tìm hướng đi mới
. Trước những thiệt hại lớn khi thị trường TQ có rủi ro, ông tính sao?
+ Năm nào thị trường này cũng có những biến động khó lường, nhưng mà ở thời điểm này đúng là chúng tôi phải chấp nhận thiệt hại chứ không còn cách nào khác. Tôi đồng tình với quan điểm của Chính phủ, trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay thì VN phải chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo đảm sức khỏe cho người dân là quan trọng nhất.
Trung Quốc là thị trường lớn TQ là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của VN, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019 VN xuất khẩu hơn 1,2 tỉ USD thủy sản, trên 2,4 tỉ USD rau quả sang TQ. Giá trị xuất khẩu mặt hàng hạt điều là hơn 590,4 triệu USD, cà phê trên 101 triệu USD... |
Hiện chúng tôi chấp nhận tạm ngưng hoạt động xuất khẩu sang thị trường TQ. Trong đó, riêng mặt hàng thanh long doanh nghiệp ngừng mua bán vì hàng này không bảo quản được lâu, mua vào không bán được chỉ có đổ bỏ. Chúng tôi đang chờ các cơ quan chức trách hai nước kiểm soát được dịch bệnh, chờ đợi có thông báo mới về việc thông quan cửa khẩu.
. Là người làm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhiều năm, theo ông, nông sản Việt cần có những kịch bản dự phòng ra sao để đối phó với những rủi ro lớn như dịch Corona kéo dài?
+ Tạm thời là không thể xuất khẩu sang thị trường TQ. Nhưng không phải dừng hẳn, bởi ngoài thanh long, doanh nghiệp cũng xuất khẩu một số mặt hàng khác như chuối. Đối với trái chuối thì xuất khẩu hiện nay vẫn an tâm hơn, vẫn có thể mua vào, nhận đơn hàng vì có thể bảo quản dài ngày hơn so với trái thanh long tươi. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách tiêu thụ trong thị trường nội địa.
Tôi cho rằng cách tốt nhất đối với ngành nông sản VN lúc này là làm sao tăng được sức tiêu thụ của thị trường nội địa lên, giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân. Đặc biệt, lúc này rất cần các doanh nghiệp lớn có các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ nông sản, nhất là trái cây tươi như sấy khô, nước ép… thu mua giải cứu cho nông dân giảm thiệt hại.
. Ngoài thị trường TQ, nông sản VN còn rất nhiều thị trường khác, thưa ông?
+ Dịch Corona từ TQ còn gây tác động đến các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ… Bởi người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng đến sức tiêu thụ không ít mặt hàng.
Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thận trọng cũng như có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc TQ mở cửa trở lại, mà phải chủ động tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ hàng hóa.
. Xin cám ơn ông.
Bộ vào cuộc giải cứu nông sản ách tắc vì virus Corona Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay hiện có khoảng 267 xe thanh long đang ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai vì TQ tạm ngừng thông quan để phòng ngừa bệnh dịch viêm phổi do virus Corona (nCoV) gây ra. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tác động của bệnh dịch viêm phổi do virus Corona gây ra sẽ ảnh hưởng cả ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa VN và TQ trên nhiều phương diện, trong đó có hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của VN sang TQ.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo các địa phương rà soát lại tình hình sản xuất và bộ sẽ xây dựng các kịch bản phối hợp với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, siêu thị để tăng cường tiêu thụ nội địa, sơ chế, chế biến…; nâng cao năng lực các kho lạnh tại các địa bàn trọng điểm. Đầu tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bộ Công Thương và các siêu thị để thúc đẩy tiêu thụ nội địa; đề nghị Bộ Công Thương làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN để phát huy tối đa hệ thống này, đặc biệt là các kho lạnh để chia sẻ với người dân và doanh nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung đa dạng hóa các thị trường và ngay trong tháng 2-2020. Đơn cử, bộ sẽ có các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại Trung Đông, ASEAN để giải tỏa sức ép về thị trường. |