Tín chỉ carbon có nơi bán được gần 4 triệu đồng/tín chỉ

(PLO)- Tín chỉ carbon hiện nay có rất nhiều loại giá bán.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay 12-6, Báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý.

Tại tọa đàm, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, hiện thị trường tín chỉ carbon trên thế giới có rất nhiều giá bán. Có nơi bán được 5 USD (128.000 đồng), nhưng có nơi bán được 140 USD (3,56 triệu đồng).

Nguyên nhân, giá tín chỉ carbon trên toàn cầu có sự chênh lệch lớn do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chi phí tạo ra tín chỉ carbon, sự bảo hộ tín chỉ carbon tại các quốc gia khác nhau, các yếu tố về cung cầu thị trường, các yếu tố về thị trường tự nguyện hay bắt buộc và tổ chức chứng nhận tín chỉ carbon.

Tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể, về giá tín chỉ carbon, giá cả phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên tham gia giao dịch trên thị trường. Hiện tại, Việt Nam đang phát triển các chính sách và cơ chế quản lý thị trường tín chỉ carbon.

Theo lộ trình, đến năm 2028, Việt Nam mới tham gia vào sàn giao dịch tín chỉ carbon của thế giới.

tín chỉ carbon
Chính phủ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Theo GS. Vinh, để tham gia vào sân chơi này, Việt Nam cần tích lũy tín chỉ carbon bằng cách đầu tư vào các dự án giảm phát thải khí nhà kính như năng lượng tái tạo, tái trồng rừng, và cải tiến công nghệ sản xuất.

Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu, như Thỏa thuận Paris và cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Điều này giúp Việt Nam nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong việc chống biến đổi khí hậu, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư từ các quốc gia và tổ chức quan tâm đến bảo vệ môi trường.

Chính phủ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT về kỹ thuật đo đạc, báo cáo và kiểm kê khí nhà kính.

Việc hoàn thiện khung pháp lý này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon mà còn đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

GS.TS Võ Xuân Vinh đánh giá, thị trường tín chỉ carbon mở ra các cơ hội kinh tế mới cho Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể tận dụng việc bán tín chỉ carbon và đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo.

Điều này, không chỉ giúp giảm chi phí tuân thủ các quy định về môi trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm