Tín hiệu vui từ chuyện không thi đại học

Năm nay, 32% tổng số thí sinh chỉ tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp mà không tham gia kỳ thi vào đại học (ĐH). Đó là con số chính thức do Bộ GD&ĐT vừa công bố và cũng thực sự là một tín hiệu tốt.

Phải vào ĐH cho bằng thiên hạ (!)

Không phải tất cả số học sinh (HS) trên sẽ chuyển hướng sang học trường nghề, có thể rất nhiều bạn sẽ đi thẳng vào thị trường lao động. Hai năm liên tiếp 2015, 2016 có hiện tượng này, phản ánh rất nhiều điều có ý nghĩa.

Đầu tiên, đó là phản ứng tích cực từ thị trường lao động của nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường. Các nhà tuyển dụng chê sản phẩm của các trường ĐH ngày càng nhiều hơn, một mặt do các cử nhân, kỹ sư thiếu kỹ năng đáp ứng ngay yêu cầu của nhà tuyển dụng, mặt khác cho thấy việc đào tạo không theo nhu cầu thực của thị trường mà theo ý chí của nhà đào tạo. Cách đây hơn 30 năm, việc cảnh báo hiện tượng thừa thầy, thiếu thợ đã được nói đến. Nhiều đời lãnh đạo của Bộ GD&ĐT đã quyết tâm tăng từ 180 lên 400 sinh viên/10.000 dân trong thời gian nhanh nhất để “bằng anh bằng em” với các nước trên thế giới, ít ra cũng không kém các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc.

Trong thời gian rất ngắn từ năm 2007 đến 2010, Việt Nam đã lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu là có hơn 120 trường ĐH ra đời, tính ra mỗi tháng có ba trường ĐH được thành lập hoặc nâng cấp từ cao đẳng, trung cấp lên. Đó là thời kỳ nhà nhà, ngành ngành mở trường, tỉnh nào cũng có 2-3 trường ĐH, rất nhiều doanh nghiệp có máu mặt trong lĩnh vực bất động sản, viễn thông, công nghệ thông tin, dầu khí, xuất nhập khẩu, vận tải cũng nhảy vào làm ĐH. Trong khi đó, một nguyên lý đơn giản là thuốc bổ thì tốt nhưng một cơ thể đang ốm yếu uống quá nhiều thuốc bổ thì có hại hơn là có lợi. Trình độ và quy mô của một nền kinh tế chỉ có thể dung nạp được một số lượng cử nhân, kỹ sư nên không phải là càng nhiều “cô cậu cử” thì càng tốt.

Thí sinh làm thủ tục dự kỳ thi THPT quốc gia tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 1-7.

Các thí sinh trong kỳ thi vào đại học trước đây. Ảnh: HTD

Thay đổi tâm thức

Phản ứng của thị trường đang điều chỉnh một cách hiệu quả tư duy những người ra chính sách khiến họ phải suy nghĩ trước khi ra những quyết định “chết người” liên quan đến quốc kế dân sinh. Việc này không hề dễ dàng, cho dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã quyết tâm tái cơ cấu hệ thống đào tạo, thu hẹp, giải thể các trường yếu kém, sáp nhập các trường ĐH cùng ngành lại với nhau. Tuy vậy, nó cho thấy nhà lãnh đạo đã thay đổi trong cách nghĩ.

Tiếp theo đó là sự thay đổi rất tích cực trong nhận thức của HS và phụ huynh, mặc dù phản ứng này quá chậm. Lâu nay HS cuối cấp và cha mẹ các em bỏ qua những lời cảnh báo trên truyền thông và lời tư vấn từ các diễn đàn, nay họ buộc phải xem lại năng lực và hướng đi của mình bởi thị trường đã dạy cho họ một bài học đau đớn. Những quan niệm “kiểu gì cũng phải có tấm bằng ĐH lận lưng”, bằng mọi giá phải chui vào được hệ thống nhà nước… có thể bắt đầu được thay bằng quan niệm khác thực tế hơn. 40% HS Nghệ An, nơi có truyền thống khoa bảng nay không thi vào ĐH mà tìm kiếm con đường mưu sinh bằng các con đường khác nhau cho thấy sự chuyển động từ trong tâm thức của các em. Muốn biện minh kiểu gì thì việc mất 4,5 năm ĐH, sau đó thất nghiệp và cất tấm bằng làm kỷ niệm để kiếm sống bằng lao động phổ thông hoặc bắt đầu học một nghề khác rõ ràng là thất bại. Hao phí tiền bạc là một lẽ, cái mất lớn nhất chính là tuổi trẻ, giai đoạn sung sức nhất của cuộc đời đã không được sử dụng hiệu quả.

Con số 286.129 HS không thi ĐH tương đương với con số 230.000 người có bằng ĐH thất nghiệp mà Bộ LĐ-TB&XH công bố năm 2015 khiến chúng ta phải suy ngẫm. Việc thay đổi một nhận thức đã ăn sâu trong nhiều thế hệ không phải một sớm một chiều nhưng chúng ta muốn tồn tại và phát triển thì phải chấp nhận tư duy và hành động theo quy luật của kinh tế thị trường, phải tôn trọng thị trường. Có thể đến một ngày nào đó, người Việt Nam sẽ học lấy tấm bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ như một cách nâng cao dân trí, nâng cao sự hiểu biết như các quốc gia phát triển nhưng e rằng ngày ấy còn diệu vợi lắm, trước mắt là phải mưu sinh đã! Động thái chọn nghề, chọn hướng đi phát huy năng lực bản thân, phù hợp nhu cầu thị trường đang là tín hiệu vui.

286.129 thí sinh chỉ tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay để xét tốt nghiệp, không tham gia kỳ thi vào ĐH. Con số này tăng 4% so với năm 2015.

________________________________

Hàn Quốc từng chỉ ra những khiếm khuyết của nền giáo dục nước họ để đổi mới. Đó là nền giáo dục ứng thí, học để thi sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Họ thẳng thắn nhìn nhận nếu muốn có nhà khoa học như Isaac Newton hay họa sĩ Picasso là rất ngông nghênh.

 GS-TS NGUYỄN NHƯ Ý, nguyên Tổng Biên tập NXB Giáo dục, phát biểu tại một hội thảo ở Hà Nội ngày 23-10-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm