Bất bình duy nhất của tôi trong những ngày lên năm là những đêm nằm thiu thiu một mình trong phòng, chốc chốc lại giật mình, uể oải với qua phòng tắm, gọi “Mẹ...”, mà chẳng thấy mẹ sang. Những lần ấy, nghe mẹ ra vẻ khẩn trương “Mẹ đây, mẹ xong liền đây”, rồi thêm tiếng bàn chải đánh vào quần áo nghe gấp gáp, tôi yên tâm chìm vào giấc ngủ.
Nhưng rồi vài phút sau, tôi tỉnh giấc, lại cáu kỉnh gọi. Có lúc mẹ chưa kịp xong việc thì tôi đã hết kiên nhẫn, vùng vằng, òa khóc. Biết rằng chỉ cần lên nằm cạnh, tôi sẽ không tỉnh dậy giữa chừng, nhiều lần, mẹ giải quyết bằng cách cắt cử chị Hai xuống nằm cùng tôi cho “có người”, hoặc mẹ giả vờ lên nằm cạnh cho tôi ngủ thật say rồi mới trở lại công việc.
Nhưng, mọi cách đều thất bại. Chị Hai bực mình, nổi nóng: “Nó ngủ rồi mà sao cái gì cũng biết!”, rồi vùng vằng bỏ đi, bỏ đứa em cáu kỉnh lại cho mẹ. Mẹ cười cười như cầu hòa với đứa lớn, dỗ dành đứa nhỏ: “Ừ ừ, nó mắc mùi mẹ đó mà”.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Chị đồng nghiệp hay băn khoăn, bọn trẻ không thể cảm nhận bằng tai hay mắt, bởi mẹ con khuất nhau đến hai tầng lầu, mà từ tầng trệt, chị không để âm thanh của sự “sửa soạn đi làm” có thể vọng đến tầng ba.Có lẽ, người mẹ nào cũng cất giữ một kho chuyện “con trẻ tinh tường”. Những chuyện như: biết mình vắng mẹ ngay cả lúc đang... ngủ, đang chơi tận tầng ba, hoặc mẹ vừa về đầu ngõ, người lớn chưa kịp nghe tiếng xe đã thấy đứa trẻ chưa biết nói lật đật chạy ra mừng.
Vậy giác quan nào đã mách bảo cho đứa trẻ ba tuổi biế t rõ nhất cử nhất động củ a mẹ ? Thuộc “trường phái” tin vào mùi hương, nhiều kinh nghiệm chăm trẻ, mẹ tôi nói: “Bọn trẻ còn lạ gì, chỉ cần... nghe mùi là nó biết!”.
Dù thuộc “trường phái” nào, từng trải nghiệm cảm giác làm mẹ hay chưa, người xem cũng dễ động lòng trước đoạn clip nhận mẹ của sáu đứa trẻ đang lan truyền trên mạng. Sáu người phụ nữ đứng thành hàng ngang, từng đứa trẻ được bịt mắt lần lượt bước ra, tìm nhận mẹ.
Đứa trẻ dừng lại trước từng người phụ nữ, nắm bàn tay, sờ lên cổ, ngửi mùi hương, rồi... lắc đầu cho đến khi đến trước mẹ mình. Dõi theo từng sự ngập ngừng của con, có người mẹ căng thẳng, chừng như nín thở, rồi khẽ lau nước mắt khi con vượt qua một “cánh cửa” nào đó, trước khi đến với mình.
Rồi khi đã đến trước mặt mẹ, đứa trẻ lại thoáng chạm vào tay, rồi áp hai bàn tay nhỏ xíu vào má trước khi kề làn môi vào gương mặt đối diện, nhẹ nhàng đặt vào một nụ hôn. Dải khăn bịt mắt được cởi bỏ dứt khoát, mẹ con ôm chầm lấy nhau, mừng vui như vừa tìm ra nhau, theo một cách rất kỳ diệu. Những đứa trẻ sau cũng lặp lại như thế, và “thắng cuộc” một cách dễ dàng.
Người ta sẽ dễ thấy điều này kỳ diệu hơn, nếu từng chứng kiến cũng với những tiếp xúc, va chạm ấy, những chàng lính trẻ lại lóng ngóng, trầy trật hơn nhiều trong việc nhận diện người yêu tại một chương trình truyền hình khác.
Xem đoạn video nhận mẹ nói trên, mẹ tôi lại nói rằng: “Cả ngày chỉ quanh quẩn trong thế giới của làn hương đó, thịt da đó, bọn trẻ làm sao nhầm lẫn được?”.
Quả thực, khi sự thiếu vắng mùi mẹ không còn đánh thức được tôi nữa, cũng là lúc biết bao nhiêu mối bận tâm khác bắt đầu ùa vào thế giới của tôi, và tôi dần lớn lên.
Tôi thử hình dung tình huống tìm mẹ của những người con đã trưởng thành. Cũng giống như phần nhận vợ, nhận người yêu trong cuộc chơi của những chàng lính trẻ kia thôi, chúng ta sẽ loay hoay làm sao để nhận ra làn hương từng rất thân thuộc, đã hòa lẫn trong muôn ngàn mùi hương ta từng bước qua trong đời.
Vậy nên người mẹ, hay người vợ, người tình được tìm thấy kia, họ hoàn toàn được quyền tin, rằng mình đã được yêu thương, nhung nhớ vẹn tròn.
Có điều, hàm lượng yêu thương đã vơi bớt trong thế giới ngày càng rộng mở có phải là câu trả lời cho tất cả biến thiên của mối liên hệ vô hình này không? Hay chính sự trưởng thành đã che mắt ta khỏi những ngôn ngữ giản dị nhất của yêu thương?
Còn sự tinh tế ở những đứa trẻ, phải chăng, chính là biểu hiện sơ khai nhất, trong trẻo nhất, vẹn nguyên nhất của tình cảm con người - khi mọi tín hiệu yêu thương được cảm nhận, và xác tín chỉ bằng trực cảm, vượt hoàn toàn ra khỏi những suy luận đa đoan, dè dặt của lý trí trưởng thành?
Vậy nên, giản dị thôi, ở những tâm hồn thơ ngây ấy, tin vào mùi hương, cũng chính là tin vào những gì gắn bó, quen thân nhất. Niềm tin này không thể giáo dục, không thể chối bỏ, cũng không cần lối dụng ngôn nào để truyền đạt. Nó là câu chuyện giữa hai trái tim gần gũi, thân thương.
Tôi tin rằng, triết lý của trẻ con, mà cũng là của tình yêu, phải là sự gắn bó, thân thuộc. Mọi sự xao nhãng, xa cách đều là nói điều ngược lại. Bởi vậy, nên cậu bé Đản trong câu chuyện oan khiên của người thiếu phụ Nam Xương ngày ấy thà một mực tin cái bóng quen thuộc là cha, còn hơn một người cha chưa gặp mặt một lần.
Thế giới của yêu thương, quả thực, chỉ rất mực đơn giản vậy thôi.
Theo Nam Yên (PNO)