Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015 về cho vay bằng ngoại tệ. Theo đó, các tổ chức tín dụng được xem xét cho vay bằng ngoại tệ kéo dài đến hết ngày 31-12-2018, thay vì kết thúc vào cuối năm nay.
Lý giải về việc đưa ra quyết định này, NHNN cho rằng hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trong thời gian tới cần tiếp tục được hỗ trợ.
Mặt khác, doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay nên việc cho vay bằng ngoại tệ ảnh hưởng không lớn đến thanh khoản ngoại tệ của tổ chức tín dụng.
“Trong bối cảnh chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (khoảng 3%), việc cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu giúp cho các tổ chức tín dụng có cơ hội quản lý và thu hút được nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, khách hàng không bị rủi ro về tỉ giá”, NHNN nêu rõ.
Cũng theo NHNN, cần tiếp tục duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỉ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỉ giá và rủi ro khác liên quan.
Tuy vậy, dự thảo quy định cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay ngoại tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: THÙY LINH
Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh nếu NHNN không tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hết cửa được vay ngoại tệ. Nói cách khác, việc vay ngoại tệ rồi đổi sang tiền đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu bị tắc nghẽn. Bởi theo quy định hiện hành, DN chỉ được vay ngoại tệ đến hết ngày 31-12-2017.
Trên thực tế trong mấy năm qua, NHNN đã nhiều lần cho rồi lại không cho vay ngoại tệ khiến người kinh doanh hết sức lúng túng.