Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thông tư 31/2016 thì các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ hết cửa được vay ngoại tệ. Nói cách khác, việc vay ngoại tệ rồi đổi sang tiền đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh xuất khẩu bị tắc nghẽn.
Lo cánh cửa vay ngoại tệ bị đóng
Theo Thông tư 31/2016 của NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước. Qua đó nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Quy định trên có hiệu lực từ 1-1-2017 và thực hiện đến hết ngày 31-12-2017. Như vậy chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa thông tư trên sẽ hết hiệu lực, nếu NHNN không gia hạn thì DN xuất khẩu sẽ hết cơ hội được hưởng chính sách vay ưu đãi này.
Trên thực tế trong mấy năm qua, NHNN đã nhiều lần cho rồi lại không cho vay ngoại tệ khiến DN hết sức lúng túng. Mới đây nhất tại hội thảo về kết nối ngân hàng với DN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: “Đã nhiều lần NHNN muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ nhưng do yêu cầu thực tế nên quy định này đã nhiều lần phải nới thời hạn cho đến nay. Bởi đúng là có những DN thuộc đối tượng ưu tiên, cần phải cho vay bằng ngoại tệ. Song cũng có một số DN thực chất không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm DN cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ”.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, điều này cho thấy cuộc chơi đang diễn ra theo cách không bình đẳng giữa những người kinh doanh. Do đó, quy định cho vay ngoại tệ sẽ được siết lại chứ không phải để như bây giờ.
Nhiều ý kiến đề nghị cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay ngoại tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ảnh: THÙY LINH
Ngược với quan điểm của Phó Thống đốc NHNN, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lại cho rằng nếu các nhà điều hành kiên quyết khép cánh cửa cho vay ngoại tệ, chỉ cho vay bằng đồng Việt Nam thì buộc phải chấp hành. Tuy nhiên, nếu phân chia theo kiểu có DN xuất khẩu vẫn tiếp tục được vay, có DN lại không được phép thì có thể dẫn đến khả năng: Nhóm không đủ điều kiện được vay ngoại tệ sẽ tìm đủ mọi cách lách quy định để lọt vào danh sách được vay ngoại tệ.
“Khi đó mục tiêu đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh như mong muốn của NHNN sẽ không thể thực hiện được” - vị tổng giám đốc ngân hàng trên cảnh báo.
Dưới góc nhìn của người sản xuất kinh doanh, ông Huỳnh Nhất Trung, Giám đốc công ty xuất khẩu nông sản ở Bình Thuận, nêu thực tế hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn đối với tiền đồng Việt Nam dao động trong khoảng 7%-9%/ năm, trong khi lãi cho vay đối với đồng USD chỉ 2,5%-4%/ năm. Tức là chi phí lãi vay bằng tiền đồng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với việc được vay bằng ngoại tệ.
Hơn nữa, tỉ lệ vay vốn của các DN Việt hiện vẫn ở mức khá cao. Do đó tới đây, nếu các DN xuất khẩu không còn được hưởng vốn giá rẻ nhờ việc vay USD rồi chuyển sang tiền đồng thì rất khó để tiết giảm chi phí lãi vay. Điều này dẫn tới hệ quả là hàng hóa Việt khó có thể cạnh tranh được so với các đối thủ trong khu vực.
NHNN cho biết từ đầu năm tới nay tình hình tỉ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định. Đặc biệt, Việt Nam đã mua thêm hơn 6 tỉ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỉ USD. Đây là mức dự trữ ngoại hối lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay. |
Cần lắng nghe ý kiến ngân hàng, người kinh doanh
Không thể phủ nhận thực tế có những DN có tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu rất thấp, số ngoại tệ thu về có khi chỉ chiếm 10% doanh thu nhưng vẫn vin vào lý do là đơn vị xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ để được hưởng lãi suất ưu đãi từ chính sách cho vay USD. Tuy vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: Để kiểm soát những DN lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ để trục lợi, NHNN cần có quy định cụ thể chứ không nên cấm tất cả DN vay. Ví dụ, chỉ những DN xuất khẩu có ít nhất 50% doanh thu bằng ngoại tệ thì mới được phép vay ngoại tệ. Nếu chặt chẽ hơn thì có thể đẩy tỉ lệ này cao hơn lên đến 75%.
“Nên gia hạn chương trình vay ngoại tệ thêm một năm nữa là hợp lý, có lợi cho xuất khẩu. Nếu chương trình cho vay ngoại tệ đột ngột dừng ngay vào ngày 31-12 tới đây chắc chắn sẽ khiến DN gặp bất lợi. Mặt khác, tỉ giá hiện vẫn được duy trì ổn định, hơn nữa vay bằng USD nhưng ngân hàng giải ngân bằng tiền đồng nên cho vay ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay cũng không ảnh hưởng đến chủ trương chống đôla hóa nền kinh tế của Chính phủ” - TS Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực đề nghị để xác định việc có nên tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ nữa hay không, NHNN nên tiến hành khảo sát nhanh từ phía các tổ chức tín dụng, cộng đồng kinh doanh. Từ đó để nắm rõ được nhu cầu vay của các DN xuất khẩu hiện ở tình trạng ra sao. Trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định sau cùng thì sẽ sát với thực tiễn, thay vì đột ngột dừng cho vay ngoại tệ.
“Cần kiên định chủ trương chống đôla hóa nền kinh tế, song tinh thần là không nên chống đôla hóa bằng mọi giá. Vừa chống đôla hóa nhưng đồng thời vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu” - ông Lực nêu quan điểm.
Coi chừng phải trả lãi kép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tuyên bố vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1%-1,25%. Quyết định của FED được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng vững chắc. Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán FED có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản vào tháng 12 tới. Chuyên gia kinh tế-TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích DN xuất khẩu được hưởng lợi nếu tỉ giá tiếp tục giữ ổn định như thời gian vừa qua. Nhưng rủi ro cho vay ngoại tệ vẫn hiện hữu nếu thời gian tới FED tăng lãi suất, khi đó tỉ giá USD/VND nhiều khả năng cũng sẽ phải tăng theo. Như vậy DN vay ngoại tệ sẽ phải trả lãi kép, đó là vừa phải trả lãi vay ngân hàng vừa cộng thêm phần trượt giá của tiền đồng. |