Tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, hơn 1.000 người dân phải sống khổ

(PLO)- Người dân tỉnh Quảng Nam nhưng sống trên đất tỉnh Kon Tum, sự việc kéo dài khiến hơn 1.000 nhân khẩu sống khổ, thiếu thốn trăm bề.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-8, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Nam về việc vướng phân chia địa giới hành chính giữa hai tỉnh xảy ra tại xã Đắk Nên, huyện Kon Plông kéo dài nhiều năm nay.

Tỉnh Kon Tum tổ chức họp bàn với tỉnh Quảng Nam giải quyết vướng mắc. Ảnh: LK.

Tỉnh Kon Tum tổ chức họp bàn với tỉnh Quảng Nam giải quyết vướng mắc. Ảnh: LK.

Theo xác nhận của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, tại xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) hiện có 238 hộ, hơn 1.034 nhân khẩu của thôn 3, xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đang sinh sống, canh tác. Tổng diện tích khu vực chồng lấn giữa hai tỉnh gần 6.200 ha, với chiều dài toàn tuyến trên 10 km.

Việc vướng mắc này đã kéo dài rất nhiều năm. Cụ thể, từ năm 2008 đến năm 2021, hai tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa thống nhất phương án giải quyết. Vấn đề này cũng đã được báo cáo Bộ Nội vụ.

Do đất của tỉnh này nhưng công dân của tỉnh kia nên dân thôn 3 xã Đắk Nên vẫn còn là vùng trũng, chưa có sự đầu tư về hạ tầng. Hiện tại, khu vực này vẫn còn rất nhiều cái không như: Không điện, đường, trường, trạm, chợ và ngay cả sóng điện thoại vẫn chưa được phủ sóng. Phần lớn các hộ dân vẫn ở cheo leo trên khu vực đồi núi cao, thiếu thụ hưởng các chính sách của nhà nước và 70% dân số vẫn hộ nghèo.

Toàn cảnh khu dân cư thôn 3 nằm giữa rừng. Ảnh: LK.

Toàn cảnh khu dân cư thôn 3 nằm giữa rừng. Ảnh: LK.

Ông Nguyễn Công Tạ, Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho biết người dân trong vùng chồng lấn mong muốn được ở lại làm ăn, sinh sống trên mảnh đất của cha ông để lại. Do vậy, người dân mong muốn được giữ nguyên hộ khẩu ở Quảng Nam. Mong rằng lãnh đạo hai tỉnh có phương án đề xuất với Trương ương sớm giải quyết để người dân không bị thiệt thòi.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam cho ý kiến, điều chỉnh khoảng 3.000 ha đất khu vực người dân đang sinh sống (địa phận xã Đắk Nên, Kon Tum) về xã Trà Vinh (Quảng Nam). Hoặc điều chỉnh lại hiện trạng đất theo lịch sử sinh sống lâu nay của người dân.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận định, việc thiếu quan tâm, đầu tư khiến người dân thiệt thòi. Trách nhiệm có phần thuộc về cơ quan nhà nước. Hiện tại, dân ở đâu thì nên ở đó.

Ông Thanh cho rằng, nếu đưa hết (hơn 6.000 ha đất chồng lấn giữa hai tỉnh) về Quảng Nam thì khó do dính địa giới. Nhưng nếu đưa hơn 3.000 ha (đất dân đang canh tác) về Quảng Nam sẽ hợp lý, người dân ổn định, mới thực hiện đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Nếu hai địa phương không giải quyết được, thì đề nghị Bộ Nội vụ và các ban ngành đi kiểm tra thực tế, lấy ý kiến dân để có hướng giải quyết cụ thể”, ông Thanh nói.

Ông Lê Trí Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam muốn nhận thêm 3.000 ha đất. Ảnh: LK.

Ông Lê Trí Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam muốn nhận thêm 3.000 ha đất. Ảnh: LK.

Trước ý kiến trên, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum), cho rằng việc chuyển hơn 3.000 ha đất của xã Đắk Nên về xã Trà Vinh (Quảng Nam) là không thể. Bởi, theo Chỉ thị 364, địa giới hành chính đã được xác định năm 1991 rồi nên không thể chuyển. Mặc khác khu đất này vẫn có dân của xã Đắk Nên đang canh tác, đất này cũng là khu đất rất bằng phẳng, màu mở của xã. Do vậy, nếu chuyển phải xin ý kiến của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Sở Nội vụ Kon Tum cũng lo ngại, nếu giao về Trà Vinh hơn 3.000 ha đất thì xã Đắk Nên còn đủ kiều kiện để giữ xã hay không (hiện xã Đắk Nên có hơn 11.000 ha). Nếu giảm diện tích này thì xã Đắk Nên có phải sáp nhập do không đảm bảo về diện tích quy định. Do đó, hai bên cần thương thảo cho hài hòa.

Nói về vướng mắc trên, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum: Quan điểm của tỉnh là sớm có phương án thống nhất, mục đích tạo thuận lợi cho người dân. Nếu người dân thôn 3 xã Trà Vinh đồng ý về xã Đắk Nên (Kon Tum) thì tỉnh sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Theo ông Tuấn, việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến địa phương. Trước mắt, giao cho cơ quan chức năng hai tỉnh khảo sát thực tế đất đai và nguyện vọng của người dân để có sự đề xuất, phân chia cho hợp lý.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch tỉnh Kon Tum nói sẵn sàng nhận công dân từ Quảng Nam. Ảnh: LK.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch tỉnh Kon Tum nói sẵn sàng nhận công dân từ Quảng Nam. Ảnh: LK.

Trước đó, để giải quyết vướng mắc trên, Bộ Nội vụ đã có bốn văn bản hướng dẫn UBND hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phối hợp giải quyết về địa giới hành chính khu vực giáp ranh tại thôn 3 xã Trà Vinh với xã Đắk Nên. Trong đó, có nội dung yêu cầu thống nhất đánh giá bốn tính chất, gồm: Tính đầy đủ, tính chính xác, tính thống nhất và tính pháp lý của hồ sơ, bản đồ địa giới đã lập theo Chỉ thị số 364. Kết quả báo cáo về Bộ Nội vụ để có hướng xử lý.

Hiện tại, cuộc họp đã được hai tỉnh thẳng thắn với nhau nhưng hai bên vẫn bảo vệ quan điểm của mình: Tỉnh Quảng Nam muốn giữ dân và nhận luôn hơn 3.000 ha đất; còn tỉnh Kon Tum lại muốn giữ đất, nếu dân muốn sáp nhập vào tỉnh cũng sẵn sàng đón nhận.

Sự việc vẫn chưa có hồi kết khiến hơn 1.000 nhân khẩu tại thôn 3 vẫn sống khổ, thiếu đầu tư hạ tầng và các chính sách của nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm