Tình nguyện viên - nơi nương tựa của người già

“Tháng 10-2013, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM triển khai đề án Mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi tại các quận 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Phú và huyện Hóc Môn. Sau hơn một tháng thực hiện, đề án nói trên mang lại nhiều kết quả khả quan” - bà Tô Thị Kim Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, ghi nhận.

Một ngày không gặp đã nhớ!

Thấy chị Trương Ngọc Liễu vào nhà, cụ Nguyễn Thị Thẳng (80 tuổi, 594/33L Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM) nói giọng hờn dỗi: “Sao không đi luôn đi, giờ mới tới!”. Cười xòa, chị Liễu xoa vai cụ Thẳng: “Con bận công chuyện. Con có mua hủ tiếu má thích nè”.

Chị Liễu là tình nguyện viên dân số phường 10, nhận chăm sóc cụ Thẳng, có con gái bị tâm thần nhẹ. Trong căn nhà chật hẹp của cụ Thẳng chén đĩa, quần áo… ngổn ngang, tứ tung. Chị Liễu dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, lau sạch nhà cửa rồi tắm gội, thay quần áo cho cụ Thẳng. Trong nhà cụ chẳng còn thức ăn, chị Liễu ra đầu hẻm mua một ít thịt và ba trái bầu. Xong, chị sà lại cụ Thẳng hỏi han chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, rồi kể chuyện này chuyện nọ với cụ. Cụ Thẳng cười móm mém ra vẻ thích lắm. “Có con má thấy đỡ buồn. Ngày nào con không tới là má nhớ lắm” - cụ Thẳng giãi bày.

Tình nguyện viên - nơi nương tựa của người già ảnh 1

Nguyễn Thị Hồng Thắm (bìa trái), tình nguyện viên phường Thới An, quận 12, đang hỏi han sức khỏe cụ Tây, cụ Liến. Ảnh: TRẦN NGỌC

Gác lửng của căn nhà được cụ Thẳng cho thuê mỗi tháng 500.000 đồng, UBND phường hằng tháng trợ cấp thêm 240.000 đồng. Số tiền đó quá ít nên thỉnh thoảng chị Liễu vận động các nơi giúp cụ Thẳng chục ký gạo, vài trăm ngàn đồng. Đôi lúc chị bỏ tiền túi mua hộp sữa, ký cam để bồi bổ sức khỏe cho cụ. “Trước đây tôi thường đau ốm và buồn phiền. Từ khi được Liễu lui tới chăm sóc, trò chuyện, tôi vui lên nhiều” - cụ Thẳng bày tỏ.

Các cụ như ông bà của mình

Tranh thủ thời gian rảnh, Nguyễn Thị Hồng Thắm, Bí thư Chi đoàn khu phố 1, phường Thới An (quận 12), chạy tới nhà 19/2 khu phố 1 để chăm sóc hai vợ chồng cụ Huỳnh Thị Tây (78 tuổi) và Nguyễn Văn Liến (87 tuổi).

Hai cụ có con cái nhưng họ đều làm ăn xa lại nghèo khó, thỉnh thoảng họ ghé biếu các cụ vài trăm ngàn đồng. “Con cái không ở gần nên vợ chồng tôi dựa nhau mà sống. Sáng mỗi người gói mì, trưa tôi nấu nồi cơm ăn cả ngày. Đồ ăn ra đầu hẻm mua mươi, mười lăm ngàn đồng. Hằng ngày tôi lọm khọm đi xin cơm thừa của hàng xóm mang về phơi khô rồi bán cho người nuôi gà, vịt 5.000 đồng/kg. UBND phường mỗi tháng có trợ cấp cho hai vợ chồng tôi 480.000 đồng, cộng với số tiền ít ỏi con cái cho nên tằn tiện mới đủ sống qua ngày. Đau ốm thì cố chịu, thèm tô phở cũng ráng nhịn… Từ ngày có Thắm và sắp nhỏ đến chăm sóc, hỏi han, thỉnh thoảng còn tặng quà, mua món này món nọ, vợ chồng tôi thấy vui trong lòng” - cụ Liến nói tiếng được tiếng mất.

Nhận chăm sóc hai cụ, mỗi sáng Thắm ghé dọn dẹp nhà cửa, giặt mớ quần áo, thi thoảng còn mua đồ ăn sáng. “Hằng tháng, mỗi đoàn viên đóng góp thêm ít tiền để hỗ trợ hai cụ. Chi đoàn cũng vận động các nguồn khác nhau để có thêm ký gạo, hộp sữa, gói mì… tặng hai cụ. Mỗi khi các cụ bệnh, tôi và đoàn viên chi đoàn thay phiên túc trực, liên hệ trạm y tế đến khám, cho thuốc các cụ” - Thắm kể.

Hỏi vì sao phải hao công, tốn sức chăm sóc người không họ hàng, chẳng thân thuộc, lại không được bồi dưỡng đồng nào, Thắm trải lòng: “Tôi xem cụ Tây, cụ Liến như ông bà của mình. Người già thường cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi nên cần nơi nương tựa. Được chăm sóc, các cụ sẽ sống vui vẻ, sức khỏe sẽ tốt hơn. Chúng tôi làm việc với tinh thần tình nguyện, không nghĩ đến chuyện được trả công”.

Láng giềng quan tâm nhau hơn

Mặc dù bận rộn việc buôn bán nhưng anh Lê Phước Lân thường ghé nhà cụ Phạm Định (104 tuổi, ngụ 9/10/4 Tân Thành, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) để chăm nom, hỏi han sức khỏe cụ. Cụ Định hiện sống với vợ chồng người con út trong căn nhà nhỏ, chẳng có gì đáng giá. Sáng con trai chạy xe ôm chiều tối mới về. Người con dâu buôn gánh bán bưng tới trưa. Cụ Định cứ thui thủi một mình. Chân cẳng yếu nên cụ thường nằm một chỗ. “Con cái đi làm sớm nên để sẵn phần ăn sáng, tôi gắp cứ rớt ra ngoài. Tiêu, tiểu phải men bờ tường tới nhà vệ sinh nên té hoài. Có hôm đi không nổi phải tiểu tại chỗ” - cụ Định ráng nói từng tiếng một.

Biết hoàn cảnh cụ Định, anh Lân thường đến giúp cụ trong việc ăn uống, vệ sinh rồi an ủi cụ. Hàng xóm không còn xa lạ với hình ảnh người tình nguyện viên đút từng muỗng cơm, tắm gội, trò chuyện với cụ Định. Thỉnh thoảng có người chạy qua phụ anh Lân lau nhà, cho cụ Định uống nước... Chị Hằng, con dâu của cụ Định, không giấu được xúc động: “Trước đây hàng xóm ít quan tâm với nhau. Từ khi anh Lân nhận chăm sóc ba tôi thì tình làng nghĩa xóm khăng khít hơn. Những khi tôi không có nhà, bà con lối xóm chạy qua phụ trợ anh Lân trông nom ba tôi, hỏi thăm cụ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, có lúc còn tặng hộp sữa, gói bánh”.

Trả lời câu hỏi vì sao lại nhận chăm sóc cụ Định, lại còn phải bỏ tiền mua cho cụ cái này cái kia, anh Lân giải thích gọn lỏn: “Sống ở đời giúp nhau là chuyện nên làm. Không chỉ tôi, hàng trăm tình nguyện viên khác chẳng ngại khó, ngại khổ dốc lòng với việc chăm lo các cụ”.

Theo đề án Mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi, mỗi phường, xã thực hiện thí điểm thành lập một tổ tình nguyện viên 10-15 người. Mỗi tình nguyện viên sẽ chăm sóc 1-2 cụ cô đơn, không nơi nương tựa, mắc bệnh lâu ngày…

Tình nguyện viên không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo; có sức khỏe, thời gian và khả năng giúp đỡ người cao tuổi; tâm huyết trong các hoạt động công tác xã hội, không tính toán thù lao, tiền công.

Nhiệm vụ của tình nguyện viên là làm bạn, trò chuyện, tâm sự, lắng nghe, an ủi người cao tuổi; làm các công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người cao tuổi khi ốm đau (tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đưa đi khám bệnh…).

Bà TÔ THỊ KIM HOA, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm