Tinh thần sáng tạo, ý chí quyết tâm của đoàn tàu không số

(PLO)- Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển là hành trang, tài sản tinh thần quý giá để thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, đoàn kết, lập  chiến công mới.

Cách đây 61 năm, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn 759 (sau là Đoàn 125), đơn vị tiền thân của lực lượng vận tải quân sự trên biển, chính thức mở đường Hồ Chí Minh trên biển chiến lược quan trọng vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên biển và đoàn tàu không số

Trước yêu cầu bức thiết về quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo miền Bắc, chấp hành Nghị quyết của Tổng Quân uỷ, ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.

Ảnh tư liệu tàu không số vận chuyển vũ khí trên biển. Ảnh: HẢI QUÂN

Việc ra đời Cục Phòng thủ bờ bể là một tất yếu khách quan, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển của Quân chủng, gánh vác sứ mệnh lịch sử to lớn - làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Đến ngày 23-10-1961, sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và nhất là kinh nghiệm từ năm chuyến tàu từ các tỉnh miền Nam vượt biển ra Bắc, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 (sau là Đoàn 125) đơn vị tiền thân của lực lượng vận tải quân sự trên biển. Đây là sự kiện chính thức mở Đường Hồ Chí Minh trên biển chiến lược quan trọng vận tải chi viện chiến trường miền Nam.

Trong cuộc kháng chiến, đoàn tàu không số đã phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, trang thiết bị, kinh nghiệm và hiểu biết của ta về vận tải biển chưa nhiều. Cùng với đó là sự đánh phá, ngăn chặn khốc liệt của địch. Nhất là sau sự kiện Tàu 143 bị lộ tại vùng biển Vũng Rô tháng 2-1965.

Tuy nhiên, với phương châm hoạt động bí mật, bất ngờ, thần tốc, táo bạo; sử dụng linh hoạt nhiều phương thức vận chuyển mới, bí mật, công khai, bán công khai, cả trực tiếp và gián tiếp... Cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số đã cùng nhân dân các tỉnh duyên hải nơi có tuyến đường đi qua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kịp thời vận chuyển vũ khí trang bị chi viện cho chiến trường.

Đoàn tàu không số từ tháng 10-1962 đến tháng 3-1975 đã vận chuyển 97.596 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men chi viện cho chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã chở 8.721 tấn vũ khí, hàng quân sự. Đưa đón hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường. Trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Quân đội, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979, Quân chủng đã tổ chức được 139 chuyến tàu, chở 19.790 tấn hàng hóa quân sự và 25.151 lượt cán bộ, chiến sĩ ra chiến trường và đổ bộ chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế trong chiến dịch Tà Lơn.

Năm 1988, các lực lượng vận tải quân sự của Quân chủng đã thực hiện tốt nhiệm vụ CQ-88, hoàn thành kế hoạch vận chuyển 46.300 tấn hàng phục vụ cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, 129.453 tấn hàng phục vụ cho sinh hoạt thường xuyên.

Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển

Với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125, trên con đường huyền thoại ấy, đã có biết bao tấm gương dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình. Đó là thuyền trưởng Bông Văn Dĩa, Nguyễn Phan Vinh, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và biết bao đồng chí khác.

Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân huấn luyện. Ảnh: HẢI QUÂN

Họ đã chỉ huy con tàu mưu trí, táo bạo vượt qua sự truy lùng gắt gao của địch, khi bị lộ đã lao thẳng vào tàu địch và anh dũng hy sinh. Họ ngã xuống nhưng bí mật con đường vẫn không bị phát hiện, miền Bắc vẫn tiếp tục chi viện miền Nam bằng đường biển cho đến ngày toàn thắng.

Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn vững vàng trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có chủ trương đúng đắn trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, xử lý có hiệu quả các tình huống.

Quân chủng luôn kiên quyết, kiên trì ngăn chặn các hoạt động xâm phạm của nước ngoài; không để bị động, bất ngờ; bảo vệ và hỗ trợ các hoạt động kinh tế biển; thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; đi tiên phong tạo cơ sở mọi mặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, đảo, nhất là các vùng biển, đảo xa bờ.

Đặc biệt, trong những năm vừa qua, Quân chủng Hải quân luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm chiến lược của Đảng, Nhà nước, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tập trung xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Cùng với đó là nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đủ sức làm nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Điều chỉnh, tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”. Nhiều vũ khí trang bị hiện đại được đưa vào biên chế.

Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125 huấn luyện chiến đấu. Ảnh: HẢI QUÂN

Công tác huấn luyện, hậu cần được đổi mới toàn diện theo hướng tập trung, chính quy, hiện đại. Bảo đảm kịp thời, đồng bộ số lượng, chất lượng vũ khí trang bị cho các nhiệm vụ. Làm tốt công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới. Tích cực công tác tuyên truyền và kiểm soát ngư trường theo Chỉ thị 45 của Thủ tướng.

Cạnh đó, bảo vệ an ninh, an toàn các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển… Thực sự là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các lực lượng khác yên tâm vươn khơi bám biển.

Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển

Từ năm 2000 đến nay, ngoài việc thực hiện tốt vận chuyển hàng triệu tấn hàng Quân chủng Hải quân đã thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Tích cực tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân hoạt động trên các vùng biển, đảo. Từ đó giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Hải quân tặng cờ và quà cho ngư dân trong bão số 4. Ảnh: HẢI QUÂN

Giai đoạn từ năm 2019 đến 2022, Quân chủng Hải quân đã tổ chức hàng trăm đợt tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Kịp thời cứu kéo 340 lượt tàu mắc cạn, hỏng máy trôi dạt trên biển; chữa và cứu vớt được 1.244 người bị bệnh, bị nạn trên các vùng biển, đảo, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh và một số vận dụng khác với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng.

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” - truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển là hành trang, tài sản tinh thần quý giá để thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, đoàn kết, lập nên những chiến công mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới