Tình yêu đẹp giữa cánh rừng đầy bom

Cánh rừng ngày nào giờ đã lác đác dân cư, nằm gần Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát (huyện Tân Biên, Tây Ninh) nhưng vẫn heo hút buồn tênh. Ở đó có một mái nhà đơn sơ nép vào bìa rừng đã 30 năm qua. Chồng nói giọng Bắc, vợ nói giọng Nam, cả hai tóc đều đã lốm đốm bạc nhưng mỗi khi nói chuyện với nhau, luôn nghe họ xưng hô “mình ơi”, “em ơi” rất dịu dàng.

Tìm nhau qua những cuốn sách

Sau ngày giải phóng, anh bộ đội Đàm Tuy (sinh 1946, quê Kỳ Sơn, Hòa Bình) không trở về quê hương Thái Bình vì đã mất hết gia đình trong bom đạn. Nỗi đau quá lớn khiến lòng anh tan nát. Anh quay lại những chiến trường xưa để tự tìm câu hỏi anh sẽ dành phần đời tiếp theo cho ai, cho điều gì. Cuối cùng anh chọn một mảnh rừng biên giới ở Tây Ninh khai hoang ở đó, định sống một mình với thiên nhiên để những nỗi buồn, nỗi đau có cơ hội nguôi ngoai.

ông Tuy và vợ đã biến mảnh đất đầy bom đạn thành ao cá, rừng tràm. Ảnh: H.MINH

Lúc đó cánh rừng ở xã Tân Lập (huyện Tân Biên, Tây Ninh) còn là một bãi bom mìn không ai dám tới ở. Đã từng có người vô đây bắt cá bị nổ trái chết. Vì vậy khi anh tới đây, có người hỏi anh tính chết hay sao. Anh nói: “Tôi có kinh nghiệm gỡ mìn hồi còn trong quân ngũ nên không sợ. Nếu chẳng may mình chết thì thôi, cũng không tiếc gì. Nếu trời cho sống thì mình sống tiếp”.

Sau những ngày anh mệt nhoài ở cánh rừng, gỡ hết mấy chục trái mìn, ao đã có cá, rau và cây tràm đã lên xanh nhưng trong lòng vẫn cảm thấy trống trải quá, anh đến những ngôi trường ở gần xã để mượn sách đem về đọc. Ở đây, anh gặp cô giáo Nguyễn Thị Xuân Mai, người ở huyện Hòa Thành (lúc đó Hòa Thành và thị xã Tây Ninh là khu vực sầm uất nhất tỉnh) lên biên giới dạy học. Cô Mai ngạc nhiên khi thấy người nông dân ở rừng lại đọc say mê các sách văn học Nga, đọc Thơ Mới, sách triết học... Cô lặn lội về huyện tìm thêm sách mang lên cho anh mượn.

Qua những cuốn sách, họ trò chuyện với nhau say mê, rồi đồng điệu và thương mến nhau.

Lặng lẽ đợi nhau

Hết năm năm dạy ở biên giới, cô được chuyển về huyện. Anh quay lại cánh rừng với nỗi buồn nhớ không nguôi. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cô lại xin lên biên giới dạy học để được ở gần người thương. Gia đình cô phản đối. Cha cô, là một cựu cảnh sát chế độ cũ, phản đối gay gắt nhất và nói sẽ từ con, không chấp nhận con rể miền ngoài rồi dọa: “Thế nào nó cũng về Bắc bỏ con cho coi”. Cô chưa bao giờ trái ý cha mẹ nhưng lần này cô bỏ phố lên rừng mà nước mắt lưng tròng.

Biết được sự phản đối của gia đình cô, anh tránh gặp mặt vì sợ làm người yêu phải khổ đau thêm. Hơn nữa, anh chỉ có đôi bàn tay trắng và mảnh đất chưa gỡ hết đạn bom.

Cô lên cánh rừng tìm anh, anh bỏ đi. Khi quay về trường, cô nhận được cuốn sách anh mang trả, trong đó có kẹp một lá thư. Lá thư anh nói rằng nếu mảnh đất này lên xanh, anh sẽ tặng nó cho cô. Anh không bên cô nữa, cô cũng đừng buồn.

Cô đợi anh. Mấy năm trời họ lặng lẽ đợi nhau. Khi cô 28 tuổi, anh 38 tuổi, họ mới đến với nhau bằng đám cưới đơn sơ. Trong tình yêu đó luôn có lòng ngưỡng mộ họ dành cho nhau. Anh ngưỡng mộ cô gái miền Nam dịu dàng, không ngại gian khổ lên rừng với anh. Cô ngưỡng mộ anh thuần hóa mảnh đất đầy bom đạn hóa đất lành, đêm về đọc sách cho cô nghe. Hai người con ra đời, một trai một gái càng gắn bó họ với nhau. Cha mẹ cô sau đó thương anh còn nhiều hơn con ruột, hễ ai nói đụng đến “thằng Tuy” là ông bà giận.

Bây giờ họ đã lên chức ông bà nội. Con gái học cao học ở Cần Thơ, con trai làm việc ở TP.HCM. Chỉ còn hai ông bà già hằng ngày chăm sóc nhau. Họ vẫn nhìn vào mắt nhau nói những lời thương yêu mỗi ngày. Vừa qua, ông Tuy trải qua những ngày đau bệnh tưởng chết đi vì viêm tụy, đau bao tử, bị bác sĩ trả về. Nhưng bàn tay người phụ nữ dịu dàng ấy đã cố hết sức giữ ông ở lại. Và họ lại bên nhau, đã đủ 30 năm nơi bom đạn, nay là rừng tràm đã xanh um.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới