Tại hội nghị bàn các giải pháp điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ trì sáng 22-4 ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết họ đã phải trực sẵn khai tờ khai khi Bộ Công Thương thông báo mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trên hệ thống tự động của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, sau khi hệ thống báo tờ khai đăng ký thành công thì đế sáng 12-4 kiểm tra lại bị mất toàn thông tin.
Đại diện một công ty xuất khẩu gạo cho hay công ty đã đăng ký tờ khai thành công vào lúc 1 giờ ngày 12-4, nhưng sau đó lại mất hoàn toàn thông tin. Doanh nghiệp đã xếp hàng lên tàu nhưng mất hết thông tin trên dữ liệu hải quan. 9.700 tấn gạo đang trên sà lan nằm trên sông, cộng thêm lượng gạo tồn tại cảng thiệt hại ước tính hơn trăm tỉ đồng.
“Tôi đề nghị Tổng cục Hải quan phải kiểm tra và trả lời doanh nghiệp tại sao xóa thông tin tờ khai của chúng tôi. Mong đoàn kiểm tra do Bộ Công Thương chủ trì đề xuất hải quan giải quyết ngay cho doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp này bức xúc.
Nhiều doanh nghiệp cho biết đã kê khai tờ khai thành công trên hệ thống tự động của Tổng cục Hải quan nhưng sau đó bị xóa dữ liệu và không được xuất khẩu gạo trong tháng 4
Chung cảnh ngộ, ông Hoàng, Giám đốc một công ty xuất khẩu, cho biết bất cập của hoạt động đăng ký xuất khẩu gạo khi nhiều doanh nghiệp “canh” khai tờ khai thành công nhưng bị xóa thông tin. Rồi trước ngày 24-3, doanh nghiệp xuất khẩu gạo được phân luồng vàng, nhưng sau khi có lệnh hải quan lại chuyển hàng sang khu vực giám sát (luồng đỏ).
Chưa kể những những doanh nghiệp có lượng hàng tồn tại cảng phải đóng tiền lưu kho, lưu bãi và nhiều chi phí khác. Đó là những vấn đề cần phải xử lý ngay.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết với trường hợp doanh nghiệp đã khai thành công nhưng mất thông tin, Bộ đề nghị Tổng cục Hải quan phải kiểm tra lại; nếu đúng như trên thì nên tính số lượng gạo đã khai thành công của doanh nghiệp vào lượng 100.000 tấn gạo tạm ứng mà Thủ tướng cho phép xuất khẩu trong tháng 4 này. Cơ quan hải quan cần giải quyết ngay để doanh nghiệp không phải thiệt hại hơn nữa.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết riêng tổng số lượng các hợp đồng đã ký (trước khi có lệnh ngừng xuất khẩu gạo - PV) của các doanh nghiệp nhưng chưa giao hàng đã là gần 1,3 triệu tấn gạo, trong khi chỉ cho phép xuất khẩu 400 ngàn tấn thì chắc chắn xảy ra những bức xúc của doanh nghiệp và hải quan là đơn vị bị "trút cơn thịnh nộ lên đầu tiên". Thế nhưng, hệ thống khai tờ khai xuất khẩu hoàn toàn tự động, cơ quan hải quan mở thời điểm 0 giờ là đúng theo các quy định.
“Còn việc một số doanh nghiệp phản ánh liên quan tờ khai bị mất dữ liệu, Tổng cục Hải quan đã nhận đơn, đã yêu cầu các bộ phận công nghệ thông tin kiểm tra. Hải quan sẽ báo cáo lại với Bộ Công Thương để có hướng giải quyết”, ông Thành thông tin.